Chi tiết kế hoạch 221 tỷ USD của châu Âu để rời bỏ năng lượng Nga
Kế hoạch "REPowerEU" trị giá 210 tỷ euro (221 tỷ USD) do Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 18/5 tập trung vào việc đẩy mạnh năng lượng bền vững như điện gió và năng lượng mặt trời.
Theo đó, châu Âu hướng đến mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 45% nhu cầu năng lượng của khối vào năm 2030. Đồng thời, khu vực sẽ tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia khác bao gồm Ai Cập, Israel và Nigeria.
Kế hoạch này tiếp tục cho thấy nỗ lực của EU nhằm giảm 66% lượng khí đốt Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc hoàn toàn trước năm 2027. Châu Âu cũng đang cố gắng tăng cường năng lượng sạch và đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn năng thay thế trước nguy cơ bị Moscow cắt hoạt động xuất khẩu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Châu Âu phải giảm càng nhanh càng tốt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga”.
Tuy nhiên, đây được xem là một thách thức lớn vì Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU trước khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ. Việc tìm kiếm các thị trường thay thế không dễ dàng.
Theo các kế hoạch mới nhất, EU đã nhất trí các nguyên tắc chung nếu xảy ra sự gián đoạn nguồn cung trên phạm vi rộng hơn. Trong đó có việc đặt ra giới hạn giá khí đốt để tránh chi phí cao quá mức chịu đựng nếu Nga hạn chế hoặc cắt giảm nguồn cung.
Các kế hoạch mới cũng đặt trọng tâm vào việc tiết kiệm năng lượng. Khối sẽ sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm giảm tiêu thụ ít nhất 13% so với mức 9% hiện tại. Đồng thời, chiến dịch "EU tiết kiệm" sẽ khuyến khích người dân sử dụng ít nhiên liệu hơn.