Cho phép ngân hàng mua lại TPDN đã phân phối: 'Lối thoát' cho nhà đầu tư cá nhân
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16 ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để lấy ý kiến góp ý.
Tại dự thảo này có một số điểm mới như: Dự thảo cho phép TCTD được mua TPDN nhưng chỉ được mua trái phiếu phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động tương ứng với giá trị trái phiếu theo các vòng quay vốn lưu động trong thời gian nắm giữ TPDN.
Doanh nghiệp muốn bán trái phiếu cho ngân hàng phải đáp ứng quy định về hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành đã được kiểm toán tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, NHNN cũng cho phép các TCTD trong thời gian kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2023, TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi đáp ứng một số nội dung.
Chưa tác động nhiều đến nhà phát hành TPDN
Đánh giá về những điểm mới tại dự thảo này, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốcFiinRatings cho rằng, việc quan trọng nhất đối với vấn đề nợ TPDN hiện nay là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ.
Tuy nhiên, điểm này vẫn chưa được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Thông tư 16 lần này bởi các ngân hàng chỉ được mua TPDN phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động chứ không được phép tái cơ cấu nợ. Tương tự, các TCTD cũng không được mua TPDN với mục đích cho góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác và TPDN có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động.
Với duy nhất hình thức mua TPDN phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động nên nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chắc chắn không có tác động nhiều đến việc giải quyết vấn đề của thị trường TPDN và tín dụng các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, việc đưa ra các quy định này cũng nhằm kiểm soát rủi ro mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành, để "quả bom" từ trái phiếu doanh nghiệp tránh lây lan sang hệ thống ngân hàng.
TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam cũng chỉ ra mâu thuẫn trong dự thảo sửa đổi Thông tư 16.
Đó là trái phiếu là nguồn vốn trung hạn cho các doanh nghiệp, ít nhất thời hạn cũng phải trên một năm và doanh nghiệp phát hành trái phiếu là để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư 16 quy định, ngân hàng chỉ được mua trái phiếu trong trường hợp doanh nghiệp phát hành để bổ sung vốn lưu động thì không nhất quán với thời hạn của trái phiếu cũng như việc cho vay của ngân hàng.
Thứ hai, việc ngân hàng mua TPDN của doanh nghiệp sau đó có thể tái chiết khấu tại thị trường thứ cấp, bán lại cho một ngân hàng khác hay cho một nhà đầu tư khác giúp vốn trung dài hạn trở thành vốn ngắn hạn và luân chuyển được dòng tiền. Do đó, việc quy định chỉ được mua TPDN nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động cần được xem xét lại.
'Lối thoát' cho nhà đầu tư cá nhân
Mặc dù chưa có nhiều tác động đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, song theo các chuyên gia, dự thảo Thông tư 16 cũng có điểm mới rất ý nghĩa với các nhà đầu tư và cả các TCTD là việc cho phép mua lại trái phiếu đã phân phối trước ngày 31/12.
Trong bối cảnh các TCTD chịu nhiều áp lực mua lại TPDN khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn thì việc ban hành quy định mới giúp nhà đầu tư có lối thoát và các ngân hàng cũng tránh được những rủi ro pháp lý khi phân phối trái phiếu.
Trong khi các tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại thì việc các ngân hàng, TCTD đứng ra mua lại cho nhà đầu tư là phù hợp, giảm mối lo cho nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên HNX chưa đi vào hoạt động.
Đặc biệt, việc các ngân hàng mua lại TPDN và trở thành trái chủ cũng tạo thuận lợi cho việc đòi hỏi nhà phát hành thực hiện đúng cam kết bởi tổ chức phát hành và thường cũng là khách hàng vay vốn của ngân hàng.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 cũng bổ sung nhiều quy định mang tính chặt chẽ hơn với doanh nghiệp phát hành như việc TCTD chỉ có thể mua TPDN khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có mức đòn bẩy cao hơn 5 lần sẽ không thể bán trái phiếu cho TCTD dù đáp ứng các tiêu chí phát hành trái phiếu của Nghị định 153 hoặc Nghị định 65 sửa đổi.
Đồng thời, mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn bằng quy định TCTD phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua TPDN. Quy định này sẽ hạn chế các giao dịch tiền mặt và hoạt động mua/bán TPDN để tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp sân sau.
Cần tập trung xử lý gốc rễ của vấn đề
Theo các chuyên gia, dự thảo sửa đổi Thông tư 16 này nếu được ban hành cũng chưa có tác động nhiều đến việc giải quyết vấn đề TPDN và thị trường bất động sản. Rủi ro đối với hệ thống tài chính vẫn rất hiện hữu, bởi khi một doanh nghiệp chậm trả trái phiếu thì sau đó sẽ có khả năng chậm trả nợ ngân hàng và nhảy nhóm nợ.
Khi doanh nghiệp chậm trả nợ quá hạn 91 ngày thì vào nhóm ba: "Nợ dưới chuẩn", mức lập dự phòng 20%; Trên 181 ngày thì vào Nhóm 4 - Nghi ngờ, 50% dự phòng và mức xấu nhất là nếu chậm trả và trên một năm thì nhảy Nhóm 5 - Mất vốn, 100% dự phòng nợ xấu, ông Thuân phân tích.
Đây là vấn đề nên được đánh giá cụ thể và có những chính sách tiếp theo để có thể giải quyết vấn đề TPDN hiện nay và giảm thiểu rủi ro sang nợ xấu tín dụng ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Hoè cũng chỉ ra hai vấn đề căn cơ gây ra sự tiêu cực của thị trường TPDN cần xử lý triệt để. Một là, doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế, phải được chấm điểm xếp hạng tín nhiệm và đạt được các hệ số nợ nhất định.
Không định chế nào giám sát tài ba bằng thị trường, khi doanh nghiệp chuyển từ xếp hạng AAA sang BBB, trái phiếu của doanh nghiệp lập tức bị bán tháo. Đây là phản ứng bình thường của thị trường, vì vậy doanh nghiệp cần minh bạch thông tin và giữ chất lượng trái phiếu nếu muốn thu hút được nhà đầu tư.
Thứ hai, phải xử lý được vấn đề về sở hữu chéo. Cần xử lý nghiêm túc các vụ việc này, chấm dứt tình trạng tạo ra các ngân hàng để cho vay các công ty sân sau, ông Hoè kiến nghị.
Liên quan đến TPDN, một số ngân hàng tham gia giới thiệu trái phiếu của các công ty sân sau, thậm chí có trường hợp nhà đầu tư tố nhân viên ngân hàng “đánh lận con đen”. Điều này cực kỳ nguy hiểm và là gốc gác của những vấn đề tiêu cực trên thị trường trái phiếu và cả bất động sản.
Nếu hệ thống ngân hàng có vấn đề sẽ mất một thời gian rất dài để hồi phục thị trường tài chính, thậm chí kéo dài đến 10 năm hoặc hơn, ông Hoè cảnh báo.
Theo ông Hoè, chính sách không nên làm theo kiểu “xử lý tình huống”, như Nghị định 08 chỉ trì hoãn một số quy định của Nghị định 65 chứ không giải quyết vấn đề căn cơ. Nếu không tập trung vào gốc rễ của vấn đề thì việc ban hành các giải pháp ngắn hạn chỉ làm khủng hoảng trên thị trường tạm lắng được một thời gian rồi lại bùng phát bất kỳ lúc nào.