Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Từ bán thức ăn gia súc trở thành `thuyền trưởng` công nghệ Việt Nam

16:38 | 09/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập tập đoàn FPT hiện đang tìm lại một thời hào quang của mình khi giá trị cổ phiếu FPT đang tăng mạnh trong vài tháng gần đây, đạt tới đỉnh cao lịch sử.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là ai?

Ông Trương Gia Bình sinh ngày 19/05/1956 tại Nghệ An, quê quán ở Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Về trình độ học vấn, năm 1979, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Moscow khoa Toán cơ. Sau đó tới năm 1983, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Moscow. Năm 1991, ông Bình được phong hàm Phó giáo sư.

Ông Bình từng kết hôn với bà Võ Hạnh Phúc, trở thành con rể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ có chung với nhau một cô con gái. Sau khi ly hôn, ông Bình đã lập gia đình với người vợ thứ hai là Nguyễn Tuyết Mai, hiện là chủ tịch công ty du lịch Vidotour.

Hiện nay, ông Trương Gia Bình là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT. Đồng sáng lập với ông còn có tiến sĩ Nguyễn Thành Nam và một số nhà khoa học, kỹ sư khác với số tiền vay mượn từ GS Vũ Đình Cự. Họ chính là người đã đặt nền móng cho một trong những đế chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông số 1 Việt Nam.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Từ bán thức ăn gia súc trở thành `thuyền trưởng` công nghệ Việt Nam - ảnh 1

Chân dung người Thuyền trưởng của Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình

Ngay khi FPT gia nhập sàn chứng khoán, chủ tịch Trương Gia Bình đã bứt phá trở thành tỷ phú hàng đầu Việt Nam. Một thập kỷ trước, ông cũng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt nhưng nhanh chóng bị các doanh nhân khác đẩy xuống.

Hiện nay, khi giá trị cổ phiếu của tập đoàn FPT đang tăng mạnh, đạt tới đỉnh cao lịch sử, ông Bình nhanh chóng vọt lên và trở thành là người giàu thứ 24 trên Bảng xếp hạng Người giàu nhất thị trường chứng khoán. Trong đó, ông sở hữu số cổ phiếu của FPT và Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong TPB có tổng trị giá 4,449 tỷ VNĐ.

Tính từ đầu năm tới nay, ông Bình có thêm khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng nhờ cổ phiếu FPT tăng giá. Tuy nhiên, so với những vị tỷ phú khác trên bảng xếp hạng, khối tài sản của ông vẫn còn khá khiêm tốn.

Ông Trương Gia Bình cũng vinh dự đảm nhận chức vụ Chủ tịch hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) năm 2001 và chức vụ Chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam từ 1988 đến 2005. Từ 2017 đến nay, ông làm Trưởng ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân trực thuộc Hội đồng tư vấn cải cách hành chính.

Con đường khởi nghiệp từ việc bán thức ăn gia súc của Tiến sĩ Toán học

Ngay từ thời còn đi học, vị Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã là một học sinh chuyên Toán tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp và nhận tấm bằng Tiến sĩ Toán Lý tại Nga, ông Bình quay lại Việt Nam và tham gia nghiên cứu tại Viện khoa học Việt Nam cho đến năm 32 tuổi.

Năm 1988, khi nhận thấy cuộc sống của một nhà khoa học thời điểm đó quá khó khăn, lại không cống hiến gì đặc biệt cho đất nước, ông Bình đã đưa ra quyết định lịch sử, rẽ cuộc đời mình hướng sang kinh doanh.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Từ bán thức ăn gia súc trở thành `thuyền trưởng` công nghệ Việt Nam - ảnh 2

Những thay đổi mang tính đột phá đã giúp ông đi tới thành công cùng Tập đoàn FPT

Công ty Công nghệ Thực phẩm đã được ông cùng với các kỹ sư và nhà khoa học khác thành lập. Đây chính là tiền thân ban đầu của tập đoàn FPT. Tuy vậy, vào lúc đó, công ty chỉ kinh doanh mảng thực phẩm, đồ ăn cho chăn nuôi tại Việt Nam. 

Đến năm 1995, lĩnh vực tin học ngày một tỏa sáng với nhiều tiềm năng. Nhìn nhận lại tiềm năng phát triển trong mảng kinh doanh thực phẩm không cao, ông Bình đã quyết định chuyển hướng đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ – viễn thông. 

Công ty của ông đã chính thức đổi tên thành Công ty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT vào năm 2002.

Năm 2017, để tập trung phát triển Công nghệ, FPT rút dần ở mảng thương mại chứ không kết hợp cả hai như thời gian ban đầu. 

Từ năm 1988 đến 2002, ông Bình là Giám đốc Công ty FPT. Sau đó, ông chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FPT. Đến nhiệm kỳ 2017-2022, ông vẫn giữ chức vị Chủ tịch HĐQT, là vị thuyền trưởng dẫn đầu đưa ra các quyết sách chính, quyết định phương hướng phát triển cho tập đoàn.

Ngày nay, FPT đã trở thành tập đoàn Công nghệ Hàng đầu Việt Nam, với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là Công nghệ thông tin và Viễn thông. Các cơ sở, cửa hàng của FPT trải rộng trên khắp 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam, thậm chí đang thực hiện những bước mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu với sự hiện diện tại 45 quốc gia.

Đặc biệt, tại Nhật Bản, FPT đã chiếm được một vị trí vững vàng. Thậm chí, cựu CEO của Hitachi – ông Ogawa còn đồng ý trở thành CEO cho FPT Software tại Nhật.

Trong năm 2020, FPT vừa công bố kết quả kinh doanh và báo lãi hơn 5.200 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ đóng góp 56%, khối viễn thông chiếm 39% và khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%.

Với hoạt động kinh doanh chiến lược là chuyển đổi số, tập đoàn đã tăng doanh thu từ 2.453 tỷ đồng năm 2019 lên 3.219 tỷ đồng trong năm vừa qua, mức tăng trưởng lên tới 31%. Chỉ tính riêng doanh thu ký mới tăng 23% so với năm 2019, đạt 13.095 tỷ đồng năm 2020.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi mà nền kinh tế ngày một trì trệ thì sự phát triển ổn định của FPT chính là điểm sáng đáng nể.

Có thể nói, doanh nhân Trương Gia Bình là linh hồn của FPT. Sức nặng của vị thuyền trưởng càng trở nên rõ ràng khi ông một lần nữa trở lại với vị trí lãnh đạo sau một thời gian vắng bóng. Sự kiện này đã đưa giá trị cổ phiếu của Tập đoàn “ấm” trở lại sau khi đóng băng gần 1 tháng. 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Từ bán thức ăn gia súc trở thành `thuyền trưởng` công nghệ Việt Nam - ảnh 3

Ông đã trở thành linh hồn của FPT, gắn liền với sự trưởng thành của doanh nghiệp

Ông Trương Gia Bình: Thời thế của FPT bùng nổ trong đại dịch

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều nhiều khó khăn, thách thức, thương chiến giữa Mỹ - Trung cũng khiến các hệ thống trật tự cũ bị phá vỡ. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, Tập đoàn FPT với trọng tâm là chuyển đổi số đã và đang tăng tốc để bắt kịp với cuộc đua này.

Trên thị trường quốc tế, FPT cũng bắt đầu giành được những đối tác quan trọng từ tay nhiều tên tuổi lớn trong ngành Công nghệ như IBM (Mỹ) hay Tata (Ấn Độ). Phong cách làm việc của FPT sẽ là một lợi thế khi các doanh nghiệp áp dụng sách lược "Do more with less" (làm nhiều với chi phí thấp).

Gói thầu trị giá 150 triệu USD từ một công ty ô tô hàng đầu nước Mỹ đã được giao vào tay FPT thực hiện trọn gói từ A-Z cho thấy tập đoàn không chỉ trưởng thành về quy mô, về công nghệ, mà còn đủ bản lĩnh để nâng tầm thế giới.

Trong năm nay, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ, tức là doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng. Điều này thể hiện quyết tâm bứt phá nhằm lọt Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp chuyển đổi số vào năm 2030.

Chủ tịch FPT tự tin về khả năng “giải cứu” sàn HOSE

Trong thời gian vừa qua, nghẽn lệnh trên HOSE là điểm nóng nhất mà các nhà đầu tư quan tâm trên diễn đàn chứng khoán. Khi mà thị trường thay đổi liên tục vì sàn HOSE thỉnh thoảng lại rơi vào tình trạng “rút phích”, khiến các lệnh giao dịch không thể tiến hành mỗi khi thanh khoản đạt mức 14.000 - 17.000 tỷ đồng. Bởi vậy, VN-Index “lình xình” mãi vẫn không vượt được ngưỡng 1200 điểm.

Tại thời điểm này, FPT đứng ra nhận “giải cứu” tình trạng này. Chủ tịch Trương Gia Bình tự tin khẳng định doanh nghiệp đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc với sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và chính tay phát triển phần mềm cho hệ thống giao dịch.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Từ bán thức ăn gia súc trở thành `thuyền trưởng` công nghệ Việt Nam - ảnh 4

Ông Bình cho rằng FPT hoàn toàn có khả năng xử lý vấn đề kỹ thuật của HOSE hiện nay

Vấn đề của sàn HOSE được đánh giá một phần là bởi sàn HOSE dùng phần mềm của sở GDCK Thái Lan biếu không trong quá khứ. Các vấn đề đã tồn tại mà người khác làm mấy năm không xong, FPT chỉ cần 3 tháng để giải quyết, theo ông Bình cho biết.

FPT có sự thấu hiểu về ngành chứng khoán vì từ năm 2012 đến nay,  cũng là đơn vị xây dựng và triển khai thành công nhiều ứng dụng như Hệ thống Giám sát các công ty niêm yết và Giám sát cho Ủy ban chứng khoán Việt Nam, Hệ thống giao dịch phái sinh cho HNX và VSD (2017 đến nay), hệ thống Quản lý kho quỹ (2011-2012) và Hệ thống giao dịch giấy tờ có giá và thị trường mở cho Ngân hàng Nhà nước Việt nam (2015-2017).

Ngoài ra, FPT cũng chịu trách nhiệm làm phần mềm cho nhiều hệ thống lõi liên quan tới ngân sách nhà nước, hệ thống hải quan, kho bạc, dự trữ quốc gia, ngành thuế, tài chính công…

Dự kiến về mối nguy mà FPT có thể phải đối mặt

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của FPT ngày 8/4/2021 vừa qua, Chủ tịch Trương Gia Bình đã đặt ra mối nguy lớn nhất là có thể xảy ra đơn hàng dồn dập quy mô lớn, khi chuyển đổi số và chính phủ điện tử được triển khai quyết liệt ở 63 tỉnh thành.

Ông Bình đánh giá đây vừa là cơ hội, cũng vừa là nguy cơ vì khi thực hiện nhiều dự án, có nhiều đơn hàng dồn dập một lúc, không cẩn thận, có thể ảnh hưởng tới chất lượng, giảm uy tín của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, FPT cũng đang gặp vấn đề về thiếu nhân lực. Con số tuyển dụng của tập đoàn có thể lên tới 7.000 người.

Năm 2021, FPT đã đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu tăng 16,4% và lợi nhuận trước thuế tăng 18%, đồng thời tiếp tục đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 20%.

Năm nay, kế hoạch đầu tư của Tập đoàn FPT lên tới con số 3.445 tỷ đồng. Trong đó, 2.013 tỷ đồng cho khối Viễn thông; 878 tỷ đồng cho khối Công nghệ; 554 tỷ đồng cho khối Giáo dục và các khối khác.

Nhìn lại sự nghiệp của ông Trương Gia Bình, có thể thấy, thành công đến chậm rãi nhưng chắc chắn sau nhiều thời gian và tâm huyết mà ông đã bỏ ra để kiên trì lao động, theo đuổi ước mơ của mình. Có thể nói rằng, vị Chủ tịch FPT là một nhà doanh nhân vô cùng thành công. 

Xem thêm: HOSE và FPT bắt đầu xây dựng hệ thống giao dịch tạm để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh

Phương Thúy