Dự thảo Quy hoạch điện VIII có đang đi ngược lại xu thế?
Ngày 30/8 vừa qua, Bộ Công Thương có Văn bản số 5321/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với Báo cáo Quy hoạch điện VIII sau khi đã rà soát.
Theo đó, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 sau khi rà soát là 130.371 MW, giảm 7.688 MW so với phương án đưa ra hồi tháng 3 tại Tờ trình số 1682 công bố hồi tháng 3/2021.
Xét về các loại hình năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, vẫn ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác; tiếp tục gia tăng tỉ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với khả năng vận hành của hệ thống điện quốc gia và từng vùng.
Tuy nhiên, ở dự thảo mới, năng lượng điện gió trên bờ và gần bờ sẽ chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; điện gió ngoài khơi giảm khoảng 2.000 MW. Điều này khiến tổng điện năng sản xuất từ các loại hình điện gió dự kiến chỉ còn khoảng 5,6-6,5% vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với mức 8,1-10,3% của Tờ trình cũ…; điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.980 MW về mức 1.170 MW...
Đáng chú ý, nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW so với Tờ trình số 1682, lên mức 40.649 MW. Như vậy, tỉ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.
Tuy nhiên, về việc nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW so với Tờ trình số 1682, lên mức 40.649 MW thì mới đây nhóm 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu vừa có văn bản góp ý những điểm trong bản Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương.
Mới đây, ý kiến của nhóm 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu về Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương đưa ra hồi đầu tháng 9/2021.
Theo nhóm này, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới vẫn vạch ra lộ trình phát triển điện đi ngược xu thế của thế giới. Việc tiếp tục phát triển mạnh điện than mới trong 10 năm tới đặt Việt Nam vào nhóm số ít các quốc gia đi ngược với nỗ lực chung của toàn cầu trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, phát triển năng lượng xanh và bền vững của Việt Nam là chủ trương của Đảng, nhà nước và cũng là khát vọng chung của toàn thể nhân dân. Điều này cần được phản ánh trong Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) hiện đang được Bộ Công Thương chỉnh sửa và chuẩn bị trình lên Chính phủ phê duyệt.
“Bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới ngày 5/9/2021 thể hiện sự tụt hậu so với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới, khi vẫn tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch đồng thời kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo (NLTT). Thậm chí, bản thảo lần này thể hiện “những bước lùi” so với bản dự thảo tháng 3/2021 khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Như vậy, trong 10 năm tới, công suất điện than mới sẽ tăng thêm gần 20.000 MW, trong khi đó, điện mặt trời chỉ tăng thêm khoảng 2.000 MW và không phát triển điện gió ngoài khơi”, Nhóm các tổ chức chỉ rõ.
Ngoài ra, nhóm các tổ chức cũng khẳng định, việc hạn chế phát triển NLTT trong 10 năm tới sẽ khiến Việt Nam tụt hậu xa so với sự tiến bộ khoa học công nghệ năng lượng của thế giới. Trong khi nhiều quốc gia đang nắm bắt cơ hội và đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối đa hóa lợi thế của NLTT như tích trữ năng lượng, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo phân tán và kết hợp với nông nghiệp, giao thông, sản xuất hydrogen... thì trong Quy hoạch Điện VIII lại chọn phương án kiềm chế NLTT và chưa có lộ trình thúc đẩy ứng dụng những tiến bộ này.
“Hiện nay, sự phát triển của công nghệ năng lượng đang diễn ra rất nhanh, rất cần một tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo và những bước đi đột phá về chính sách để đón bắt cơ hội mới. Tuy nhiên, dự thảo hiện tại không thể hiện được điều này và đang lặp lại bài học thất bại của các quy hoạch điện trước đây, khi cách đây 5 năm không dự báo đúng sự phát triển của NLTT, dẫn tới sự bị động và không đồng bộ giữa chính sách với thị trường, quy hoạch nguồn và lưới, gây ra những bất cập như hiện nay”, góp ý nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc đề cập đến lộ trình phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, Nhóm các tổ chức chỉ rõ, việc các dự án điện than được tiếp tục là sự lựa chọn đắt đỏ, gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế nói chung và không khả thi để triển khai. Hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng phi mã.
Thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn có nghĩa là tăng 150%. Trong khi đó giá than được dự báo trong dự thảo vào năm 2030 chỉ ở mức 75 USD/tấn. Như vậy giá sản xuất điện than đưa ra trong dự thảo đang thấp hơn so với thực tế. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15-16 UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình NLTT.
Đáng lưu ý, với tỷ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế carbon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon mà họ cam kết.
Nhóm các tổ chức cũng cho biết, bài học từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã cho thấy hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính. Khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi nhiều quốc gia đã cam kết loại bỏ nhiệt điện than, phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch.
“Bộ Công Thương cần đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng; đồng thời ưu tiên các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh phát triển NLTT bền vững trong tương lai. Chúng tôi cam kết sẵn sàng huy động trí tuệ và kiến thức chuyên môn, đóng góp tự nguyện và đồng hành cùng với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan trong việc chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII nhằm đạt các yêu cầu đề ra để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Nhóm các tổ chức kiến nghị.
Ngoài ra, trao đổi với báo chí bà Ngụy Thị Khanh - Đại diện Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cũng cho rằng, bản thảo lần này thể hiện “sự giật lùi” so với bản dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2021 khi cắt giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo và tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than vào năm 2030, trong khi lộ trình “điện cạnh tranh” chưa rõ ràng.
Do đó kiến nghị, Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, hãy cắt giảm nguồn điện than gây ô nhiễm môi trường. Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.
Các ý kiến trên được tập hợp từ nhóm 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu góp ý về Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương. Tạp chí Doanh nhân Việt Nam sẽ thông tin về các ý kiến phản biện, quan điểm của các nhà khoa học đầu ngành năng lượng trong những bài viết tiếp theo.