Chuyên gia hiến kế giúp nhà ở xã hội đánh 'đúng và trúng' đối tượng thụ hưởng

Đông Bắc 07:49 | 07/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng để đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này, bao gồm cả người thu nhập trung bình thấp.

 

 Đóng thuế thu nhập đang là ‘rào cản’ đối với người dân mua nhà ở xã hội

Tại Hội thảo: "Một triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" mới đây, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM chia sẻ một trong những bất cập đối với người thu nhập thấp không mua được nhà ở xã hội.

Ông Khiết cho rằng, về đối tượng mua nhà ở xã hội, quy định luật hiện nay đang rất vướng: "Các quy định luật yêu cầu đối tượng người có thu nhập thuộc điện phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì không được mua nhà ở xã hội. Trong khi một số cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có thể có mức lương đến 11 triệu đồng/tháng, nhưng không có nhà ở, thì họ không thể mua được nhà. Điều này phát sinh thực tế, nếu 1 lần phải đóng thuế thu nhập cá nhân, thì muôn đời không mua được nhà ở xã hội".

Liên quan đến đối tượng mua nhà ở xã hội, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 vừa qua, ông Phạm Văn Thịnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, tại Bắc Giang công nhân muốn mua nhưng lại không đáp ứng điều kiện "không có nhà ở, đất ở nào khác".

Cụ thể, dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh, (huyện Việt Yên, Bắc Giang), giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng một m2. Chủ đầu tư đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, nhưng từ khi công bố nhận hồ sơ đã hơn một năm mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.

Với thực tế này, ông cho rằng, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện. Ông Thịnh kiến nghị nới điều kiện được mua, thuê nhà ở xã hội.

Liên quan đến đề xuất công nhân, người lao động không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội, Đại biểu Quốc hội cho rằng không hợp lý, nên bỏ.

Theo dự thảo luật, công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuộc nhóm hưởng chính sách này. Thẩm tra nội dung trên, đa số ý kiến tại Ủy ban Pháp luật đồng tình nhưng một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn: công nhân, người lao động (không giới hạn trong khu công nghiệp) có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. Việc này để bảo đảm công bằng với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.

 Một lần đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ không được mua nhà ở xã hội. Ảnh VNM.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng điều kiện đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội là chưa hợp lý vì đã loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách nhà ở xã hội.

"Thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân, họ còn lo bao thứ như tiền ăn học của con, chi phí sinh hoạt, lấy đâu tiền mua nhà nếu không được hưởng chính sách. Những người đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ra, cần cân nhắc", ông Toàn góp ý.

Bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Ninh Bình cũng nói "không phù hợp" nếu thu hẹp đối tượng công nhân tại khu công nghiệp, cán bộ công chức viên chức được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo bà, có những trường hợp nộp thuế nhưng thu nhập không đủ sống, nên cân nhắc mở rộng phạm vi thu nhập để tăng diện được tiếp cận nhà ở xã hội.

"Cần mở rộng phạm vi thu nhập người được mua nhà ở xã hội, tức là có những nhóm có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM tiêu dùng đắt đỏ, trong khi giá nhà cao", bà Thanh nói.

Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị không quy định người lao động phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. "Hiện mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, nhiều công nhân dù phải đóng thuế, mức sống vẫn chật vật, khó khăn. Do vậy, cần bỏ điều kiện này", bà Tuyết cho hay.

Đề xuất sửa cách tính thu nhập để ngăn người giàu mua nhà xã hội

 Theo quy định hiện hành, đối tượng mua nhà ở xã hội là những người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn, đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị (không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân); lao động tại các khu công nghiệp, sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị công an, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường; học sinh sinh viên của các trường đại học, học viện, trường chuyên biệt theo quy định; học sinh trường dân tộc nội trú công lập; doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để người lao động thuê lại.   

Liên quan đến vấn đề người thu nhập thấp khó tiếp cận được nhà ở xã hội bởi những điều kiện khắt khe và tạo kẽ hở cho người giàu mua nhà, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa góp ý một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, điều kiện được mua chính sách nhà ở xã hội theo dự thảo quy định là diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản từ tiền công và lương. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội đã xảy ra ở nhiều nơi.

Trong bản đề xuất vừa công bố, ông Châu phân tích, khảo sát của HoREA, cho thấy nhiều trường hợp người làm "nghề tay trái" tạo ra thu nhập cao hơn (thậm chí vượt gấp nhiều lần) so với "nghề tay phải". Tuy nhiên, trên bảng tiền lương, tiền công chính thức vẫn thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân.

Do đó, theo ông, trong dự thảo Luật Nhà ở không tính các khoản thu nhập khác đã trao cơ hội cho người giàu tranh suất mua nhà xã hội với người nghèo. Vì vậy, cần sửa cách tính theo hướng phải bao gồm các khoản thu nhập ngoài luồng chịu thuế.

Trong luật hiện hành, để trở thành "người thu nhập thấp" - điều kiện bắt buộc để mua được nhà xã hội ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng. Trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng điều kiện trên hiện rất lỗi thời.

 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA không đồng tình điều kiện đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội. Ảnh QH.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành (đơn vị chuyên xây nhà ở xã hội để bán và cho thuê tại TP HCM) cho rằng, thập kỷ qua cũng nhìn nhận kẽ hở trong điều kiện về thu nhập đủ điều kiện mua nhà ở xã hội đang tiếp tay cho những người có thu nhập ngoài luồng cao nhưng thu nhập chính thức từ tiền công, tiền lương thấp tranh suất mua nhà ở xã hội với người nghèo.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng để quản lý thu nhập từ nghề tay trái hoặc thu nhập ngoài luồng này là một thách thức rất lớn đối với cơ quan chức năng. "Nếu có đủ cơ sở pháp lý để truy vết các thu nhập ngoài luồng thì cơ quan thuế đã đánh thuế dòng tiền này từ lâu", ông nhấn mạnh.

Để hạn chế tình trạng người giàu mua nhà ở xã hội, ông Nghĩa đề xuất cơ quan soạn thảo luật nên quy định người đứng tên mua nhà ở xã hội phải sống tại căn nhà đó, đăng ký tạm trú tạm vắng đúng địa chỉ này và không được khai thác cho thuê. Bởi lẽ người giàu tuy tranh mua nhà ở xã hội với người thu nhập thấp nhưng họ ít khi sinh sống tại khu nhà giá rẻ dành cho người nghèo vì nhu cầu về chất lượng sống của họ rất cao.

"Đây là cách gác cổng cơ quan quản lý cấp cơ sở (công an khu vực) có thể thực hiện được nhằm đảm bảo nhà ở xã hội được sử dụng đúng đối tượng", ông Nghĩa nói.

Cắt giảm điều kiện cho các nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội

Phát biểu tại Hội thảo "Một triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng cho biết, hiện Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023. Ngoài ra, sẽ có nhiều chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Ông Hà Quang Hưng cho biết, về đối tượng được thụ hưởng, tại Luật nhà ở 2014 sửa đổi dự kiến bổ sung thêm các doanh nghiệp có lao động trong các khu công nghiệp sẽ thuộc đối tượng mua hoặc thuê lại nhà ở xã hội cho công nhân của mình.

Điều kiện mua nhà ở xã hội: Trong Luật sửa đổi sẽ theo xu hướng cắt giảm điều kiện cho các nhóm đối tượng thụ hưởng. Ví dụ hiện nay, các nhóm đối tượng này để mua được nhà ở xã hội phải đảm bảo 3 điều kiện: thứ nhất về nhà ở, không có nhà hoặc diện tích nhà dưới 10m2. Thứ hai, về thu nhập dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thứ 3, điều kiện về cư trú - tức là người mua phải cư trú tối thiểu từ 1 năm trở lên tại địa phương có dự án nhà xã hội.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi tới đây sẽ cắt giảm điều kiện, ví dụ với người muốn thuê chỉ cần có điều là một trong nhóm các đối tượng được thụ hưởng. Còn đối với các trường hợp mua hoặc thuê mua thì giảm bớt điều kiện về cư trú. Một nội dung được nhiều người quan tâm là nhà ở xác định tại đâu, trong Luật sửa đổi cũng chỉ rõ, chỉ cần người dân không có nhà ở trên địa bàn tỉnh/thành phố mà người đó dự kiến mua, còn địa bàn khác không tính.

Nhiều người cũng quan tâm tới việc phát triển nhà ở chỉ cho thuê hay mua - bán. Dự thảo luật Nhà ở sẽ song hành cả 2 hình thức này. Đối với các nguồn vốn tư nhân sẽ do các chủ đầu tư tự chủ phương án kinh doanh. Còn với Nhà nước, Bộ Xây dựng đang trình theo phương án đối với ngân sách nhà nước chỉ thực hiện phương án cho thuê là chủ yếu.

 

Thu hồi nhà ở xã hội bán sai đối tượng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh nhà ở xã hội là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước nhằm lo chỗ ở cho lượng lớn người lao động thu nhập thấp.

Ông cũng khẳng định có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội tốt hơn.

Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận vừa qua với một số dự án ở các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk... có hiện tượng đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán nhằm trục lợi.

Khẳng định hành vi này là sai, ông Sinh nhấn mạnh "nếu phát hiện phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng".

"Bộ Xây dựng cũng có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương - nơi xảy ra hiện tượng trên - kịp thời thanh tra, kiểm tra, rà soát để làm rõ vấn đề báo chí nêu, từ đó có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời", ông Sinh nói.