Chuyên gia: Thị trường trái phiếu đang quá tập trung vào nhà đầu tư cá nhân, cần tạo thêm sân chơi cho các quỹ đầu tư
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 24/11, có 77 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với khối lượng 214.300 tỷ đồng, giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm là các nhà đầu tư tổ chức, chiếm 96% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%); các nhà đầu tư cá nhân mua gần 4%.
Cuối tháng 11 vừa qua, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã đánh giá: "Thị trường TPDN ghi nhận tình trạng ảm đạm kéo dài với giá trị phát hành liên tục tụt giảm và chỉ ghi nhận sự cải thiện trở lại kể từ đầu tháng 3 năm nay, khi Nghị định số 08 ra đời cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định thị trường. Hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái.
Song, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây" các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị TPDN bất động sản phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị TPDN đến hạn. Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm bất động sản”.
Trong khi đó, tại một báo cáo mới đây, đội ngũ chuyên gia Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) đã chỉ ra tầm quan trọng của trái phiếu đối với dòng tiền doanh nghiệp địa ốc. VIRES bày tỏ quan điểm: "Trái phiếu phải là nguồn vốn quan trọng nhất với thị trường bất động sản. Thị trường cần nguồn vốn trung và dài hạn thì phải trông chờ vào trái phiếu chứ không phải vốn ngân hàng.
Về dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, minh bạch, bền vững để các doanh nghiệp có không gian rộng hơn trong việc huy động vốn.
Việc điều hành chính sách pháp luật cần tránh tình trạng khi thì quá nới lỏng, tạo ra một thị trường đầy kẽ hở để các doanh nghiệp đua nhau phát hành; đến khi có rủi ro thì lại đột ngột “phanh” gấp, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, như câu chuyện đã diễn ra năm 2022".
Đâu là rào cản lớn nhất của thị trường TPDN?
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, tại tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra, trong những vấn đề tồn tại của thị trường TPDN hiện nay và kể cả sắp tới, rào cản lớn nhất chính là hình thức phát hành.
"90% TPDN là phát hành riêng lẻ và chỉ có 10% phát hành ra công chúng. Trong khi đó, phát hành riêng lẻ thì quy trình thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, phát hành chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư.
Mà chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua những trái phiếu này, tức là phải có hiểu biết và phải đáp ứng những điều kiện mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra. Rõ ràng là chúng ta thấy cấu trúc này rất mất cân đối", ông Lực nói.
Bàn luận về giải pháp giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển bền vững, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho rằng chính sách nên có cơ chế thông thoáng.
"Đối với trái phiếu phát hành sơ cấp và thứ cấp, chúng ta giới hạn trong người mua là các tổ chức. Tôi xin đề xuất nên cân nhắc cơ chế thông thoáng hơn trong điều kiện phát hành, mục đích sử dụng vốn và kiểm soát sau phát hành.
Năm 2023, có câu hỏi được đưa ra là tại sao doanh nghiệp lỗ vẫn được phát hành? Tại sao doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo vẫn phát hành? Tuy nhiên, nếu đặt ra quan ngại như vậy thì một lượng lớn doanh nghiệp rất khó tiếp cận thị trường vốn.
Việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp trong giai đoạn này không dễ, do đó, phải có kênh nào đó cho họ. Nên chăng chúng ta xây dựng kênh chuyên cho tổ chức để có điều kiện thông thoáng hơn, hỗ trợ cho giới doanh nghiệp non trẻ ở Việt Nam.
Đối với loại hình trái phiếu có thể bán cho cá nhân về sơ cấp và thứ cấp, tôi đồng ý phải làm chặt chẽ việc này. Tuy nhiên, có một số quan điểm chúng ta cần xác định, không ai có thể đảm bảo những trái phiếu đưa ra thị trường là không có rủi ro mất thanh toán.
Khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt một đợt phát hành ra công chúng, cần phải xác định không có nghĩa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bảo lãnh hay đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp.
Khi một công ty xếp hạng đưa ra một định mức tín nhiệm trên thị trường tốt cũng không có nghĩa họ có thể đảm bảo 3 năm sau, doanh nghiệp đó 100% thanh toán nợ đúng hạn.
Ngay cả các tổ chức tài chính trung gian khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm cũng không có nghĩa đảm bảo 100% không có rủi ro mất thanh toán.
Việc này đối với nhà đầu tư cần phải rất rõ ràng, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Cần truyền tải thông điệp rõ ràng cho họ là có rủi ro chứ không phải không có rủi ro, và họ phải đánh giá rất kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán nào.
Trong khi đó, với nhà đầu tư tổ chức thì không có nhiều quan ngại. Lý do bởi tất cả các tổ chức đều rất chuyên nghiệp trong đánh giá", bà Ngọc Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi nhìn nhận về thực trạng diễn ra trong thời gian qua, nhiều vụ án lớn liên quan tới hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đã được phanh phui, nhiều vụ chuẩn bị đưa ra xét xử, như vụ Vạn Thịnh Phát, FLC... chuyên gia này cho rằng nhiều nhà đầu tư đã tự đẩy mình thành nạn nhân.
"Nhà nước ta vừa qua đã làm quyết liệt và nhanh chóng xử lý sai phạm về trái phiếu. Quay lại vấn đề, các nhà đầu tư bị thiệt hại là nạn nhân, nhưng đâu đó, chính họ tự đẩy mình thành nạn nhân như vậy.
Do đó, chúng ta cần khuôn khổ pháp lý mới, để nâng cao hiểu biết, nâng cao yêu cầu, quy định trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cần có sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức tài chính mua trái phiếu thay vì quá tập trung vào đầu tư cá nhân như hiện nay", vị chuyên gia nói.
Cần tạo thêm cơ hội cho các quỹ đầu tư trái phiếu
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề xây dựng hệ thống tổ chức chuyên nghiệp trong mua bán trái phiếu, các chuyên gia cho rằng, các quỹ đầu tư đóng vai trò không nhỏ.
TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, cần đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường trái phiếu, đối tượng này hiện chưa có nhiều. Cùng với đó, quỹ đầu tư cũng vô cùng quan trọng, đây chính là cách thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Anh cũng nhận định việc tham gia vào các quỹ đầu tư là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế quỹ đầu tư nội tham gia ở thị trường còn tương đối hạn chế. Trên cơ sở đó, vị này đưa ra 2 đề xuất nhằm xây dựng hệ thống nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường trái phiếu.
Thứ nhất, nhà đầu tư cá nhân được phép ủy thác cho công ty quản lý quỹ để đầu tư trái phiếu riêng lẻ và không cần là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thứ hai, các quỹ đầu tư trái phiếu trên thị trường hiện nay, theo quy định được khoảng 10% tham gia vào trái phiếu riêng lẻ thì bây giờ có thể nâng lên 30% hoặc 40%.
"Ngoài ra, cần đơn giản hoá thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch nhanh chóng cho các nhà đầu tư sau khi họ đã thực hiện phát hành xong.
Có thể đưa ra một số ưu đãi về phí lưu ký và phí của trung tâm lưu ký thu trong từng giao dịch trái phiếu. Bản chất giao dịch trái phiếu là giao dịch lớn, không như giao dịch cổ phiếu, nên có thể hỗ trợ thị trường trái phiếu bằng cách đặt ra phí trần cho giao dịch để ủng hộ tất cả giao dịch lớn của trái phiếu", bà Ngọc Anh bổ sung.