Cơ hội nào cho ngành ngân hàng từ các chính sách mới được thực thi?

Ngọc Quỳnh/TTXVN 15:37 | 24/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo kết quả khảo sát vào tháng 6/2023 của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cơ hội từ những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được rất nhiều ngân hàng nhận định sẽ là yếu tố quan trọng, nâng đỡ ngành tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới đây. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt chính sách mới nhằm tăng thanh khoản cho thị trường tài chính, hỗ trợ những thị trường khó khăn có rủi ro nợ xấu cao như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế.

Chẳng hạn, Thông tư 26/2022/TT-NHNN ngày 31/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN liên quan đến điều chỉnh cách tính tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng, hay còn gọi là LDR, được kỳ vọng tạo tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi xấp xỉ 50% tiền gửi kho bạc có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống, qua đó góp phần giảm áp lực lên lãi suất cho vay;

Hay như Thông tư 02/2023 của NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ vay giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng; trong đó, có ngân hàng; Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp  riêng lẻ và sắp tới là Thông tư 16 sửa đổi sẽ giải quyết điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết số 33/2023 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, giải tỏa bớt nguy cơ gia tăng nợ xấu trong năm nay…

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho hay, trong bối cảnh khó khăn chung, những động thái điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước của Ngân hàng Nhà nước được Vietnam Report đánh giá rất cao, đã mang lại động lực lớn cho các ngân hàng vượt sóng vươn lên. Điển hình như các lần hạ lãi suất điều hành, huy động vốn và cho vay ngắn hạn, cho vay lĩnh vực ưu tiên từ đầu năm đến nay của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện bước thay đổi của chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, qua đó giúp lãi suất cho vay và huy động giảm dần, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Các ngân hàng kỳ vọng thông qua việc lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được triển khai, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng sẽ giảm bớt, cầu tín dụng có thể tăng trở lại. Từ đó, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, thời gian qua, khi số hóa bùng nổ, ứng dụng mọi mặt của lĩnh vực tài chính và đòi hỏi những hành lang pháp lý rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách, xúc tiến sửa đổi bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong hoạt động tài chính ngân hàng… Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn còn những quy định hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin khách hàng… cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới, song nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng đổi mới để tạo thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái số, thanh toán số và ngân hàng số.

Ông Vinh cho biết thêm, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số. Chứng kiến sự bùng nổ và bứt tốc nhanh chóng của hoạt động chuyển đổi số những năm qua, tăng cường đầu tư công nghệ số được tất cả ngân hàng đồng thuận là lực đẩy mạnh nhất cho tăng trưởng của ngành trong thời gian tới. Các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho biết chuyển đổi số có tác động rõ rệt đến lợi nhuận hoặc hiệu quả hoạt động của mình so với năm trước; trong đó, có tới 71,4% ngân hàng nhận định số hóa mang lại tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh cũng như hiệu suất của ngân hàng, 28,6% còn lại ghi nhận những tác động mạnh từ chuyển đổi số trong năm qua.

Dựa trên kết quả khảo sát, Top 6 công nghệ có mức độ ứng dụng và tương quan cao với hoạt động của ngân hàng. Trên thang điểm 5, điện toán đám mây là công nghệ được đánh giá có mức độ tương quan lớn nhất đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng với 4,4 điểm. Đây cũng là công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất cùng với tích hợp đa kênh là 4,3 điểm. Có thể thấy, hiệu quả chi phí là lợi ích đáng kể mà công nghệ điện toán đám mây mang lại khi cung cấp cho các ngân hàng khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên nhu cầu, giảm chi phí vốn đầu tư, bảo trì đổ vào phần cứng và trung tâm dữ liệu.

Hơn nữa, sự linh hoạt, nhanh chóng mở rộng quy mô cũng như khả năng tăng cường bảo mật, đảm bảo tính sẵn sàng cao và tính liên tục, khả năng chia sẻ dữ liệu và dịch vụ một cách an toàn với các công ty Fintech, nhà cung cấp thanh toán và các nhà cung cấp bên thứ ba khác thông qua các nền tảng và API dựa trên đám mây là những yếu tố thúc đẩy ngân hàng áp dụng công nghệ này vào hoạt động của mình. Các ngân hàng cũng cho biết, trong thời gian tới, năng lực số hóa của mình có nhiều tiềm năng tiếp tục được cải thiện thông qua khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, máy học, Blockchain… góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy các sản phẩm tài chính mới.

Không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành là xu thế không thể đảo ngược khi người dùng ngày càng chú trọng tới các giải pháp số. Khảo sát khách hàng ngân hàng được Vietnam Report tiến hành trong tháng 6/2023 đã chỉ ra rằng, việc ngân hàng có các giải pháp, ứng dụng kỹ thuật số hấp dẫn, tiện lợi được khách hàng quan tâm nhiều nhất khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng (84,5%). Trong khi đó, 85,8% khách hàng thừa nhận tương tác hàng ngày với ứng dụng mobile banking, phản ánh sự chấp nhận và áp dụng ngày càng tăng của các kênh kỹ thuật số cho các hoạt động tài chính cũng như thể hiện các ứng dụng này đang đáp ứng mong đợi của khách hàng về trải nghiệm ngân hàng liền mạch và hiệu quả. Khách hàng đang nắm bắt sự chuyển đổi sang ngân hàng kỹ thuật số và thoải mái sử dụng các thiết bị di động để quản lý tài chính của họ.

Trước thực tế này, 100% ngân hàng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, tăng cường an ninh mạng sẽ là ưu tiên số một trong Top 5 chiến lược trọng tâm của năm 2023. Chuyển đổi số mang đến cho các ngân hàng cơ hội tập hợp lượng dữ liệu khổng lồ để phân tích, xây dựng các mô hình thuật toán dựa trên dữ liệu nhằm dự báo và ước tính các giá trị phục vụ cho việc ra quyết định như cho vay, định giá, đo lường rủi ro hay cải thiện trải nghiệm khách hàng… Đi cùng quá trình này, rủi ro an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu… cũng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, giao dịch an toàn, bảo mật là tiêu chí thứ hai mà khách hàng xem xét khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng là 77%.

Do vậy, tất cả các ngân hàng tham gia khảo sát đều cho biết dự kiến tăng ngân sách dành cho chương trình bảo mật và an ninh mạng trong năm 2023, với 42,9% số ngân hàng lên kế hoạch tăng 6-10%. Hai phương án tăng từ 15% trở lên và tăng dưới 5% cùng nhận được lựa chọn của 28,6% số ngân hàng. Nguồn lực dự kiến tập trung nhiều nhất vào việc bổ sung thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng cũng như tập trung vào quản trị rủi ro và tuân thủ với kỳ vọng những nỗ lực này cùng nhau góp phần tạo ra một môi trường ngân hàng linh hoạt, tiện lợi, đồng thời an toàn và bảo mật hơn.