Dự báo kết quả kinh doanh ngành ngân hàng có sự đối lập trong nửa cuối năm
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng đã giảm 1,5- 2% trên các khoản vay. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để khơi thông dòng vốn tín dụng.
Từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, tín dụng chỉ tăng 4,7%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% so với cùng kỳ năm 2022.
Với kỳ vọng kinh tế khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023, DSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có sự cải thiện. “Chúng tôi cũng đánh giá sẽ có sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng do nhiều ngân hàng vẫn có khả năng cho vay tốt như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội MB Bank (mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (mã chứng khoán: TCB).
DSC cho biết, do nhu cầu tiêu dùng cả nội địa và thế giới suy yếu, nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn nên nợ xấu có xu hướng tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng niêm yết đã tăng từ 1,6% hồi đầu năm lên 2,1% vào cuối quý II/2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,5% vào cuối tháng 6.
DSC cho rằng, điểm sáng trong bức tranh quản lý rủi ro tín dụng là nợ nhóm 2 đã không còn tăng sốc trong quý II/2023. Đây là bằng chứng cho thấy Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02) đã phát huy tác dụng, phần nào giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Bức tranh tăng trưởng ngành trong nửa đầu năm phân hóa do tác động từ 2 yếu tố nhu cầu tín dụng yếu và rủi ro nợ xấu tăng cao. DSC đánh giá kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục có sự phân hóa. Do đó, trong ngắn hạn, các ngân hàng có khả năng đẩy tín dụng tốt, kiểm soát nợ xấu tốt sẽ được hưởng lợi khi các đối thủ cùng ngành gặp khó khăn.
Về triển vọng dài hạn, việc kiểm soát rủi ro tín dụng khi Thông tư 02 cho phép giãn nợ kết thúc vào giữa năm 2024 là tối quan trọng trong bức tranh kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), về kết quả kinh doanh, quý II/2023, tổng lợi nhuận trước thuế của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất trong quý II/2023 đạt xấp xỉ 61,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, quý II/2022, top 25 ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 36,1% so với cùng kỳ.
Tín dụng toàn hệ thống tăng 4,7% so với hồi đầu năm tại cuối quý II/2023, thấp hơn mức tăng 9,4% cuối quý II/2022, nhưng đã tăng mạnh so với mức 3,2% cuối tháng 5/2023. Tuy nhiên, tình hình nợ xấu toàn ngành tăng so với cuối quý I/2023.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phân Ngoại thương Việt Nam (VCBS), lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay sẽ giảm tốc, phân hóa mạnh, một số ngân hàng nhỏ thậm chí tăng trưởng âm nếu thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô xấu đi.
Chuyên gia phân tích từ VCBS cho rằng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 10%, giảm mạnh so với năm ngoái. Nguyên nhân là do tín dụng năm nay tăng thấp (khoảng 12%), nợ xấu tăng và biên lãi thuần (NIM) thu hẹp.
Đáng lưu ý, lợi nhuận ngân hàng dự kiến tiếp tục phân hóa mạnh, với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.
Thực tế, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng quý II và 6 tháng đầu năm 2023 có sự phân hóa mạnh. Theo đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt có lợi nhuận giảm sâu tới 32%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) giảm 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, đạt gần 64%.
Một số ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 có thể có kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên một số ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực hơn, khi nhóm ngân hàng này tập trung vào bán lẻ, không có trái phiếu doanh nghiệp cũng như không có rủi ro nợ xấu gia tăng quá mạnh.
Thực tế, các ngân hàng có có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong quý II/2023. Có thể kể đến trường hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) lần lượt tăng 5,51% và 2,19% so với quý trước đó. Điều này cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, VNDIRECT kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng.
Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sửa đổi một số điều TT 39/2016) có hiệu lực từ tháng 9/2023.
VNDIRECT nhận định, vùng đáy NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) có thể ở quanh mức hiện tại. NIM toàn ngành (từ 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất) giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,41% trong quý II/2023 với 19/25 ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm ở NIM.
Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank- mã chứng khoán: STB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Tiền gửi kỳ hạn (CASA) toàn ngành cho thấy sự cải thiện từ mức 17,6% tại cuối quý I/2023 lên 18,2% tại cuối quý II/2023, khi lãi suất tiền gửi giảm liên tục theo 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành.
VNDIRECT kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn khi lần thứ 3 và 4 cắt giảm lãi suất diễn ra vào cuối quý II/2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ nửa cuối 2023 trở đi. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Nhận định cho nửa cuối năm 2023, chuyên gia từ VNDIRECT kỳ vọng một số ngân hàng sở hữu tỷ lệ cho vay cá nhân cao; tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) thấp và tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với các ngân hàng còn lại./.