Một bức tranh khác của ngành ngân hàng năm 2023

Diệp Bình 11:03 | 05/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành ngân hàng 2023 đã không còn những câu chuyện lãi suất tăng, hết room tín dụng,... như những gì diễn ra trong một năm trước đó. Bức tranh ngành năm nay lại nổi lên với hiện tượng “ngân hàng thừa tiền” và khó khăn trong điều hành lãi suất – tỷ giá.

Ngân hàng thừa tiền trong khi nền kinh tế thiếu tiền

Sau năm 2022 với hiện tượng lãi suất tăng trên mọi mặt trận, tình trạng cạn room tại các ngân hàng, giải ngân nhỏ giọt,... bối cảnh năm 2023 của ngành ngân hàng lại là một bức tranh trái ngược khi ngay từ đầu năm tín dụng đã tăng rất chậm mặc dù lãi suất có xu hướng giảm.

Tính tới tháng 6, tăng trưởng toàn hệ thống đạt 4,7%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm trước, thậm chí tới tháng 7, tăng trưởng tín dụng còn bị thụt lùi so với tháng trước (chỉ đạt 4,56%).

 

Tình trạng tăng trưởng tín dụng nhỏ giọt thể hiện khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế. Chia sẻ tại buổi họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng vào đầu tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền”.

Ông Tú chia sẻ hiện NHNN và toàn ngành ngân hàng đã liên tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về lãi suất, thủ tục,… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó! – ông nói.

Khá lâu rồi Việt Nam mới xuất hiện tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn như hiện nay”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.

Lý giải về nghịch lý này, ông Vũ Đình Ánh chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đầu tiên là về lãi suất, vào tháng 9, 10/2022, Việt Nam có hai lần tăng lãi suất điều hành, mỗi lần tăng 1% khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên mức rất cao từ 10 -12%/năm, thậm chí có một số hợp đồng tín dụng lên trên mức 12%/năm.

Thứ hai là vấn đề tiêu thụ hàng hoá. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 liên tiếp tăng trưởng âm, thậm chí âm trên 10%, trong khi xuất khẩu chiếm tới gần 100% GDP . Điều này sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu và gián tiếp tới các doanh nghiệp liên quan, thông qua đó tác động tới nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. (Ảnh: VIR).

Thứ ba, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì họ thiếu các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn, cho dù họ có thể chấp nhận mức lãi suất tương đối cao. Ví dụ, liên quan tới tài sản đảm bảo để vay vốn, trải qua mấy năm dịch khó doanh nghiệp nào có thể chứng minh được là mình đang có dòng vốn dương; tới các hợp đồng vay tín dụng mà phía tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi hay không; hoặc liên quan đến các khoản nợ, lịch sử tín dụng của doanh nghiệp...

Và cuối cùng là do nhu cầu vốn tín dụng hiện nay cơ bản là của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi thực tế chỉ chưa tới 50% các doanh nghiệp này có thể tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng.

Để chữa “bệnh thừa tiền” hàng loạtgiải pháp đã được các ngân hàng đưa ra. Riêng NHNN đã tổ chức 12 Hội nghị, cuộc họp, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Đặc biệt, NHNN đã tổ chức 63 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh thành trên cả nước để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Về phía mình, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất áp dụng cả với khách hàng vay mới và hiện hữu.

Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu khả quan khi trong tháng 9, tín dụng được đẩy ra nền kinh tế mạnh hơn, chỉ trong nửa cuối tháng đã tăng hơn 1,3 điểm %. Tính tới 29/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92%, mới đi được một nửa chặng đường so với kế hoạch cả năm (14 - 15%).

"Đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, có một yếu tố tích cực là tín dụng đã tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước... Tín dụng với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay.

Bộ đôi khó xử: Lãi suất – tỷ giá

Cùng với tăng trưởng tín dụng ì ạch, lãi suất và tỷ giá là bộ đôi công cụ điều hành được thị trường tài chính nhắc đến nhiều nhất trong năm 2023.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tỷ giá và lãi suất có quan hệ biện chứng với nhau. Giảm lãi suất sẽ dẫn đến đồng nội tệ mất giá so với USD, từ đó ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài, nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng nội tệ mất giá nhiều hơn.

Nếu lãi suất mà hạ nữa thì sẽ không ai gửi ngân hàng mà quay ra giữ USD, thế là mất tỷ giá. Nếu như không có niềm tin thì còn ai bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam. Người ta có thể sẽ rút vốn về nước, chính sách thay đổi họ sẽ tính toán lợi ích ngay”, ông Tú nói.

Ông cho hay chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ khi vừa hạ lãi suất vừa phải đảm bảo ổn định tỷ giá; vừa mở rộng tín dụng nhưng phải đảm bảo chất lượng nợ xấu; giảm lãi suất vay nhưng không giảm nhiều lãi suất huy động

 

Sau nhiều nỗ lực từ phía nhà điều hành cũng như các ngân hàng thuơng mại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với đầu năm và trở về bằng, thậm chí thấp hơn trước dịch COVID-19. Trong khi đó, lãi suất cho vay cũng giảm nhưng chậm hơn do có độ trễ.

Theo số liệu mới nhất của NHNN vào cuối tháng 9, mặt bằng lãi suất cho vay mới đã giảm 1 - 1,3 điểm %. Lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5 - 5,7%/năm, vay trung ngắn hạn là 5,8 - 10%/năm, với các khoản vay cũ lãi suất vẫn ở mức khoảng 9 - 12%.

Lý giải về sự sụt giảm không tương xứng giữa lãi tiết kiệm và lãi cho vay, các chuyên gia phân tích cho rằng mặt bằng lãi suất huy động cao cuối năm 2022 đã khiến chi phí vốn của các ngân hàng tăng cao và dẫn tới lãi suất cho vay đầu ra cũng tăng cao. Lãi suất cho vay được ghi nhận tại một số ngân hàng lên tới hơn 15%/năm.

Nhiều công ty chứng khoán nhận định hiện tại dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều và xu hướng giảm sẽ gặp nhiều cản trở trong ba tháng cuối năm khi bắt đầu xuất hiện những cơn gió ngược.

"Hiện tại, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm trong quý IV/2023 khi lãi suất thực đang dần thu hẹp khi lạm phát  tăng lên và tín dụng tăng tốc hơn trong quý IV", Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Theo Chứng khoán KB, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng trong hai tháng trở lại đây là trở ngại chính cho đà giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh một số yếu tố khác như nợ xấu ngân hàng còn ở mức cao và NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ngay từ đầu tháng 10.

Trong báo cáo phát hành mới đây HSBC Việt Nam cho biết đã thay đổi quan điểm về dự báo động thái tiếp theo của NHNN do biến số lạm phát.

"Với sự phục hồi liên tục, lạm phát gia tăng và rủi ro ngoại tệ xuất hiện trở lại, chúng tôi tin rằng các điều kiện không còn đảm bảo cho một đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản cuối cùng (trong năm 2023) như trong dự báo trước đây", HSBC cho hay.

Đánh giá lãi suất và tỷ giá là công cụ điều hành để thực hiện mục tiêu kiểm soát, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong bối cảnh dư địa không còn nhiều như hiện nay, NHNN sẽ phải điều hành vấn đề trên hết sức “chặt chẽ và hợp lý”.

Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 10/2023.