Cổ tức ngân hàng: Nơi duy trì 13 năm liên tiếp, nơi 9 năm liền ‘lặng thinh’

Trang Mai 07:48 | 12/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong mùa ĐHĐCĐ, loạt ngân hàng đã công bố tài liệu với thông tin đáng chú ý về cổ tức. Theo đó, loạt nhà băng đã chốt tỷ lệ chia cổ tức khá cao trong năm 2023. Bên cạnh đó, một số ngân hàng tiếp tục không chi trả cổ tức với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB)

Sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cố nền tảng vốn, phát triển kinh doanh, năm 2024, Techcombank dự kiến trả cổ tức và tăng vốn điều lệ. 

Theo đó, với lợi nhuận để lại của năm 2023 (hơn 20.000 tỷ sau thuế), sau trích lập các quỹ, Techcombank lên phương án chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Số tiền nhà băng này dự kiến chi trả bằng tiền mặt là gần 5.284 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý II hoặc quý III.

Không chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt, HĐQT còn trình phương án tăng vốn điều lệ của Techcombank từ mức 35.225 tỷ đồng lên dự kiến 70.450 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới). 

Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank, mã: MB) 

Theo đó, MB Bank dự kiến trả cổ tức 2023 với tỷ lệ 20%. Đây là năm thứ 13 liên tiếp nhà băng này duy trì truyền thống trả cổ tức. Theo đó, số lợi nhuận dự kiến chi trả dự kiến hơn 10.600 tỷ đồng. Trong đó, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5% và gần 8.000 tỷ đồng chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Dự kiến năm 2024, MB sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 10-20%.

 

ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã: VIB)

Ngày 2/4 vừa qua, VIB cũng đã thông qua phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, VIB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 0,44% cho cán bộ nhân viên.

Đối với hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt, VIB dự kiến chia làm 2 đợt, lần 1 tạm ứng cổ tức 6% và lần 2 là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Dự kiến tổng số tiền tối đa sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB)

ĐHĐCĐ ACB ngày 4/4 vừa qua đã thông qua phương án trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2023 với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2023, HĐQT ACB cho biết, sau khi đóng góp thuế và trích lập các quỹ theo quy định, ACB còn lại hơn 13.300 tỷ đồng lợi nhuận, cộng với hơn 6.500 tỷ lợi nhuận để lại các năm trước, tổng cộng xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Với nguồn lực này, ACB dự tính trích ra hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau chia cổ tức, ACB vẫn còn hơn 10.000 tỷ giữ lại.

Vốn điều lệ hiện tại của ACB là 38.840 tỷ đồng. Dự kiến sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ lên 44.666 tỷ đồng. ACB dự kiến thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý III tới.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) 

Tại tờ trình ĐHĐCĐ, VPBank cho biết sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 8.353 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng dự kiến sử dụng gần 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II - III năm 2024.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank, mã: HDB) 

HDBank mới đây cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức năm 2023 và kế hoạch chia cổ tức năm 2024. Lợi nhuận HDBank có thể sử dụng để chia cổ tức là gần 9.000 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. 

Năm 2024, HDBank dự định chia cổ tức với tỷ lệ tối đa 30% (trong đó dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối đa 15%).

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 

Tại đại hội năm nay, HĐQT VietABank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

Đáng chú ý, tại Đại hội năm nay, HĐQT VietABank có tờ trình ĐHĐCĐ về việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng (sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận) tại Sở Giao dịch Chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc lựa chọn niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ do HĐQT quyết định. HĐQT sẽ được ủy quyền trong các công việc khác liên quan đến hoạt động niêm yết trên sàn.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã: MSB) 

MSB dự kiến xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính kiểm toán và sau khi trích các quỹ theo luật định.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) 

Tại ĐHĐCĐ sắp tới, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. VietinBank cho biết, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 là 19.456 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phục lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng. VietinBank đề xuất dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VietinBank cũng đã thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Hiện vốn điều lệ của VietinBank ở mức 53.700 tỷ đồng. Nếu được giữ lại lợi nhuận năm 2022-2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 79.148 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, mã: EIB)

Eximbank dự kiến trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 10%, trong đó 7% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt. Số tiền mà ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức là 522 tỷ đồng.

Loạt ngân hàng không có kế hoạch trả cổ tức 2023

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) không có kế hoạch trả cổ tức trong năm 2024.

Theo LPBank và ABBank, 2 ngân hàng này muốn giữ lại lợi nhuận để đầu tư, xây dựng nguồn lực. LPBank thậm chí dự kiến sẽ không chia cổ tức trong 3 năm tới.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2024 do đang trong diện tái cơ cấu.

Theo tìm hiểu, 2024 là năm thứ 9 liên tiếp cổ đông Sacombank không được chia cổ tức (kể từ năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu), dù lợi nhuận giữ lại vượt 18.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau khi trích lập các quỹ còn 5.716 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước là 12.670 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế lợi nhuận hợp nhất giữ lại của Sacombank lên tới 18.387 tỷ đồng. Dù vậy như rất nhiều năm trước, ngân hàng do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT không đề cập đến kế hoạch chia cổ tức năm nay.

Trong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024, ngân hàng này chỉ đưa ra kế hoạch trích quỹ khen thưởng và phúc lợi.

Tại biên bản họp đại hội cổ đông năm 2023, cổ đông từng chất vấn lãnh đạo Sacombank vì sao trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trong khi không chia cổ tức.

Trả lời, ban lãnh đạo cho biết Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, nên chưa đáp ứng được các điều kiện để chia cổ tức. Ngân hàng này cũng đã khẳng định sau khi hoàn tất việc xử lý cổ phiếu và được Ngân hàng Nhà nước cho phép sẽ triển khai chia cổ tức cho cổ đông.

 Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 của một số ngân hàng. Ảnh: Mai Trang tổng hợp