COVID-19 kéo dài: Ngành du lịch, khách sạn gắng gượng tìm giải pháp

11:04 | 28/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thêm “cú đấm” trời giáng khi dịch COVID-19 tái bùng phát, ngành du lịch, khách sạn gượng dậy tìm cách vượt khó và nỗ lực dần thích ứng phần nào với nhiều giải pháp.
Theo baogiaothong.vn, ngành du lịch nói chung và lĩnh vực khách sạn lưu trú nói riêng lại lĩnh thêm “cú đấm” trời giáng khi dịch tái bùng phát từ trước Tết Tân Sửu.
 
Những ngày sau nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ 18/2), nhiều khách sạn lớn nhỏ rầm rộ giảm giá thuê phòng.
 
Hàng loạt khách sạn tại thủ phủ du lịch Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) đang được chủ nhân ồ ạt rao bán nhằm “cắt lỗ” trước những ảnh hưởng do dịch bệnh, khách du lịch giảm sút nghiêm trọng.
 

COVID-19 kéo dài: Ngành du lịch, khách sạn gắng gượng tìm giải pháp - ảnh 1

Ngành du lịch, khách sạn lĩnh thêm “cú đấm” trời giáng khi dịch COVID-19 tái bùng phát

 

Tổng cục Thống kê đưa ra con số: Tháng 1/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15%; Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 62,2%, trong đó doanh thu của Hà Nội giảm 45,6%; Cần Thơ giảm 50,1%; Đà Nẵng giảm 68,2%; TP Hồ Chí Minh giảm 69,9%; Quảng Nam giảm 91,3%; Khánh Hòa giảm 95%.

 

Chuyển hướng để thích nghi

 
Buộc phải chuyển hướng để thích nghi là giải pháp ban đầu được ngành du lịch, khách sạn thực thi trước tình trạng khó khăn trên.
 
Trao đổi với phóng viên baogiaothong.vn, đại diện Savills Việt Nam cho biết, sau 1 năm ngành du lịch khách sạn thất thu, tháng đầu tiên của năm mới (tháng 1/2021), ngành du lịch đã khởi đầu với những tín hiệu tích cực, nhiều khách sạn ghi nhận sự hồi phục. Trong đó, các khu nghỉ dưỡng nhận được nhiều yêu cầu đặt phòng từ nhóm khách đoàn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát ngay trước Tết Nguyên đán đã lại một lần nữa tác động trực tiếp đến ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng.
 
Nói về giải pháp bền vững, có thể “sống chung với dịch”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, yếu tố kích cầu bằng cách giảm giá không còn là yếu tố tiên quyết vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm. Do đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu của khách hàng.
 
“Khi “miếng bánh” chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị”, ông Hoan nói và cho rằng, yếu tố quan trọng là những điểm đến cũ có được làm mới hay không, có bổ sung được giá trị gia tăng nào hay không.
 
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, dù đã trải qua 1 năm “sống chung” với dịch COVID-19 nhưng doanh nghiệp du lịch nói chung và lĩnh vực khách sạn lưu trú nói riêng vẫn chưa thể chủ động ứng phó, bởi mỗi lần tái bùng phát, dịch lại có những đặc điểm khác nhau.
 
“Ở đợt bùng phát lần này, COVID-19 đã biến chủng, dễ lây lan. Người dân đề phòng, cảnh giác cao hơn, hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Bên cạnh đó, du lịch không được coi là nhu cầu thiết yếu, người ta có thể huỷ tour bất cứ lúc nào để đảm bảo an toàn. Điều đó khiến cho ngành du lịch, khách sạn khó khăn lại chồng chất khó khăn”, ông Thản phân tích.
 
Về giải pháp, ông Thản cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải chuyển hướng kinh doanh.
 
 “Chẳng hạn như công ty của chúng tôi đang nghiên cứu, nếu dịch kéo dài thì sẽ chuyển hướng từ du lịch thuần tuý sang du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, cung cấp các dịch vụ mới như tắm thảo dược, ăn thảo dược, uống thảo dược... Người dân có thể hủy du lịch thuần tuý nhưng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ vẫn được coi trọng”, ông Thản cho hay.
 
Bức tranh du lịch Việt Nam mùa COVID-19 thứ 3: Trong cái khó, phải ló cái khôn cũng là chủ điểm được laodong.vn vừa phản ánh.
Nếu như năm 2020 khó khăn chồng chất do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, năm 2021 theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch không có quá nhiều cơ hội mà chỉ hoạt động cầm chừng, chờ thời cơ đến.
 
Theo ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) nhìn nhận, dịch bệnh đợt 3 xuất hiện như một cú đánh bồi khiến cho ngành du lịch đã yếu càng thêm đuối, nhất là khi dồn nguồn lực và hy vọng vào dịp Tết Tân Sửu “tan thành mây khói”, khi phần lớn khách đã đặt cọc, các hợp đồng chuẩn bị hay vừa ký hết đều dừng lại gần như 100%.
 
“Tuy vẫn luôn chuẩn bị tâm thế bình tĩnh đón nhận khi dịch bệnh bùng phát trở lại nhưng phải nói rằng, doanh nghiệp lữ hành bây giờ kiệt quệ và lâm vào tình trạng thái nản. Thiệt hại đi kèm sự mệt mỏi khi liên tục phải đưa ra quyết định, xử lý các trường hợp đổi/trả dịch vụ tour với khách hàng, các nhà cung cấp (hàng không, khách sạn, vận chuyển…). Ngược lại, đây cũng là thời điểm đánh dấu buộc nhiều doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, sáng tạo và biến “trong nguy có cơ” để sống sót, cố gắng duy trì trong năm 2021”, ông Đặng Thanh Tùng nói.
 
Phát triển du lịch nội địa trong ngắn hạn
 
Do dịch bệnh phức tạp, du lịch nội địa vẫn là lợi thế và cứu tinh cho nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trong năm 2021. Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Ngọc Thiện nêu quan điểm rằng, một trong những hướng đi vững chắc của ngành du lịch Việt Nam chính là tiếp tục phát triển du lịch nội địa trong thời gian ngắn hạn, cũng như tập trung triển khai thêm nhiều chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách trong nước với tiêu chí du lịch an toàn, đảm bảo sức khỏe với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh chặt chẽ.
 
 
COVID-19 kéo dài: Ngành du lịch, khách sạn gắng gượng tìm giải pháp - ảnh 2
Phát triển du lịch nội địa trong ngắn hạn
 
 
Hàng loạt khách sạn tại thủ phủ du lịch Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) đang được chủ nhân ồ ạt rao bán nhằm “cắt lỗ” trước những ảnh hưởng do dịch bệnh, khách du lịch giảm sút nghiêm trọng.
 
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sắp tới như: Xúc tiến quảng bá du lịch các địa phương, khai thác hiệu quả các điểm đến mới có sản phẩm du lịch hấp dẫn; Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh; Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kịp thời khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu...
 
Ông Đặng Thanh Tùng nhận định trong vòng ít nhất là 2 năm tới, du lịch nước ngoài (Outbound) và thị trường khách nước ngoài (Inbound) vẫn khó có thể hoạt động trở lại được. Vì thế, du lịch nội địa chính là thị trường trọng tâm: “Cùng định hướng, hành động đúng đắn của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch như hiện nay, tôi tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế và nhu cầu du lịch của người dân sẽ quay trở lại mạnh mẽ”.
 
Nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự kỳ vọng, dưới sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước, trong quý I và quý II sẽ cố gắng tập trung phục hồi ngành du lịch Việt Nam bằng nhiều hình thức, từng bước đưa ngành công nghiệp không khói trở lại.
 
 

Tìm kiếm cơ hội phục hồi

 
VOV.VN cho biết:  Quảng Ninh đang có kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ du lịch khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch, vốn đang đứng trước bờ vực phá sản sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh Covid-19.
 
Tỉnh Quảng Ninh đã 2 lần tung ra các gói kích cầu du lịch vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cả nước. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát lần thứ 3 đã nhấn chìm mọi nỗ lực của những người làm du lịch. Các hoạt động công cộng bị đóng cửa dài ngày, vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử chìm vào yên lặng vì vắng bóng du khách, khoảng 20.000 lao động bị mất việc làm và kế hoạch đón 3,6 triệu khách du lịch trong quý I/2021 bị phá sản.
 
Để các hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới, ông Nguyễn Văn Phượng, chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long kiến nghị: "Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện cho tất cả thuyền viên, nhân viên hoạt động du lịch được tiêm vaccine COVID-19 trước. Vì vịnh Hạ Long là khu vực cửa ngõ đón rất nhiều du khách, nếu toàn bộ nhân viên được tiêm vaccine sẽ tạo cảm giác an toàn thì du khách sẽ tới".
 
Ưu tiên phòng chống dịch bệnh là yêu cầu hàng đầu khi du lịch hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn vay ngân hàng để có nguồn lực đầu tư sau 3 đợt bão dịch hoành hành.
 
Ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long nói: "Bây giờ chúng tôi rất khó để vay vốn. Rất mong ngân hàng chính sách có thể tiếp lực cho chúng tôi, trước mắt là thanh toán lương, bảo hiểm cho nhân viên và nợ của ngân hàng. Nếu muốn khôi phục được ngành du lịch có lẽ phải cần sức mạnh tổng thể, một mình ngành du lịch không làm được. Trong đó các chủ doanh nghiệp cũng nên hạ giá dịch vụ xuống mức thấp nhất, không tính lãi cao, chỉ cần tính đủ chi phí và đảm bảo chất lượng dịch vụ theo giá thành".
 
 
Ngoài các quy định chống dịch, Chi hội tàu kiến nghị các thuyền viên, nhân viên tàu du lịch được tiêm vaccine COVID-19 khi du lịch đi vào hoạt động.
Việc khôi phục hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát là điều cần thiết và cũng là bước chuẩn bị cho vụ cao điểm của du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Hiện Quảng Ninh vẫn tiếp tục giảm 50% giá vé vào ngày thường và 100% vào các ngày lễ khi tham quan vịnh Hạ Long và các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn.
 
Gần đây nhất, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Du lịch, lãnh đạo các chi hội trực thuộc Hiệp hội để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Sở đang chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai kế hoạch trở lại của du lịch Quảng Ninh.
 
Minh Hoa