“Cú sốc năng lượng” ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo hơn ra sao?

H.Thủy (Theo Japan Times) 10:01 | 19/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giới chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận định rằng: việc giá hàng hóa tăng đột biến, đặc biệt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine không gây ra những khó khăn kinh tế giống nhau cho các quốc gia.

Chi phí năng lượng tăng cao đang gây đau đầu cho các chính phủ trên thế giới, nhất là các quốc gia nghèo hơn vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu.

Các quốc gia này không có “vùng đệm” tài chính mà các nước giàu có hơn được hưởng, cũng không thể trông chờ vào việc tăng doanh thu từ xuất khẩu của chính họ.

Morocco, Thái Lan và Pakistanlà một số nền kinh tế có quy mô vừa bị ảnh hưởng nhiều nhất, dựa trên dữ liệu nhập khẩu năng lượng và tổng sản phẩm quốc nội của Liên hợp quốc (LHQ).

Các hộ gia đình nghèo ở những quốc gia đó sẽ khó mua hàng hóa cơ bản hơn, trong khi các lĩnh vực sản xuất hỗ trợ hàng triệu việc làm sẽ gặp rủi ro và một số chính phủ thậm chí có thể bị đe dọa về mặt kinh tế.

Ông Matteo Lanzafame, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết sức chi tiêu của người tiêu dùng sẽ suy giảm và các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí sản xuất ngày càng tăng.

Theo chuyên gia này, cú sốc của thị trường năng lượng có thể đẩy lạm phát ở các thị trường mới nổi tăng thêm 2 điểm phần trăm trong năm nay, thậm chí cao hơn đối với các quốc gia nơi chi phí vận tải – giao thông chiếm tỷ lệ lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Các tác động của việc thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu đã tác động tới nền kinh tế thực. Sri Lanka đã buộc phải tăng giá xăng thêm hơn 40% vào tuần trước sau khi đồng rupee của nước này lao xuống mức thấp kỷ lục.

Bangladesh và Pakistan đang ngày càng ráo riết tìm kiếm các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay, với cả hai nước đều tiến hành đầu thầu trong tuần này.

Pakistan cũng đang chật vật tìm cách mua đủ dầu diesel để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, khi các quốc gia châu Âu khác chấp nhận trả giá cao hơn nước này để bù đắp nguồn cung bị mất từ Nga.

Tình hình hiện nay đang làm gia tăng căng thẳng cho tình hình tài chính của quốc gia Nam Á này sau khi Thủ tướng Imran Khan cắt giảm giá nhiên liệu và điện trong nước vào đầu tháng Ba, gây trở ngại cho khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Giá cả tăng cao có tác động rất tiêu cực đối với ngân sách của các chính phủ có trợ cấp cho phương tiện vận tải và nhiên liệu nấu nướng.

Indonesia đang xem xét tăng giá nhiên liệu để kiềm chế thâm hụt ngân sách, trong khi tuần trước Thái Lan cho biết họ chỉ có thể duy trì trợ giá dầu diesel cho đến tháng Năm.
Ấn Độ dự kiến sẽ tăng mạnh giá năng lượng trong tháng này sau khi đóng băng giá trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử cấp bang.

Công ty Coal India Ltd., nhà khai thác than lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rằng hoạt động sản xuất của họ có thể bị cản trở nếu không thể tăng giá.

Tháng trước, Chính phủ Ấn Độ cho biết nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo trước đó trong năm 2022, một phần do chi phí hàng hóa tăng.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi đồng USD - đồng tiền được lựa chọn cho các hoạt động giao dịch năng lượng trên toàn cầu - tiếp tục mạnh lên.

Đồng bạc xanh có giá trị hơn đồng nghĩa các nước cần nhiều nội tệ hơn để mua cùng một lượng dầu, khí đốt hoặc than đá, trong khi nó cũng làm cho hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia này rẻ hơn.

Dù vậy, giới phân tích cũng chỉ ra rằng các nước vẫn có thể sử dụng nhiều công cụ chính sách để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Chuyên gia Lanzafame của ADB đề xuất chính phủ các nước trợ cấp cho các bộ phận dân cư nghèo nhất, những người sẽ phải chi tiêu một phần nhiều hơn trong thu nhập của mình cho nhu cầu năng lượng. Một số chính phủ cũng có thể giảm thuế nhiên liệu.

Còn theo Yanting Zhou, nhà kinh tế chính tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie Ltd., giải pháp tốt nhất về lâu dài là bớt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Các nước có thể thực hiện điều đó bằng cách tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn năng lượng hoặc bằng cách đảm bảo được thêm nguồn cung dầu, khí đốt và than đá.

Hiện có cơ sở để các nước thực hiện biện pháp thứ hai, vì các công ty dầu mỏ phương Tây đang rất muốn bán đi tài sản của mình./.