'Đãi cát tìm vàng', sàng lọc cơ hội đầu tư trong rủi ro khủng hoảng năng lượng
Nguy cơ khủng hoảng năng lượng: "Dư chấn" lan rộng trên các thị trường
Giá điện tăng vọt cùng các mối đe dọa về nguồn cung đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp từ Trung Quốc cho đến Đức, Hoa Kỳ. Tình trạng này có nguy cơ làm tăng chi phí và đe dọa lợi nhuận, đồng thời, khiến người tiêu dùng phải chi tiền nhiều hơn và cắt giảm nhu cầu. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tổ chức nghiên cứu quốc tế liên tục thông báo hạ dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.
Tại Đức, sự phụ thuộc đáng kể vào nhiên liệu Nga khiến các tập đoàn lớn của nước này đặc biệt dễ bị tổn thương. Một rổ cổ phiếu mà Citigroup theo dõi nhạy cảm với cú sốc khi đốt bao gồm Covestro AG, Thyssenkrupp AG và Siemens AG đã hoạt động kém hiệu quả so với chỉ số Stoxx 600 của Châu Âu trong năm nay.
Tại Mỹ, ngành bán lẻ trở dường như trở thành kẻ thua cuộc khi triển vọng tiêu dùng mờ nhạt hơn. Tuần trước, hai tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ đã nhắc nhở các nhà đầu tư rằng bất kỳ lo lắng nào đều có cơ sở. Giá cổ phiếu Nordstrom giảm 20% chỉ trong một ngày sau khi cắt giảm triển vọng cả năm, trong khi Macy’s cũng cắt giảm dự báo.
Tình huống tương tự cũng diễn ra tại Anh. Tính đến hiện tại, một thước đo cổ phiếu bán lẻ đã giảm khoảng 35% trong năm nay. Clive Burstow, người đứng đầu bộ phận tài nguyên toàn cầu có trụ sở tại Barings tại London, cho biết: “Cuộc khủng hoảng năng lượng mang đến những rủi ro tiềm ẩn và mối quan tâm trên thị trường. Giá năng lượng cao đang thúc đẩy lạm phát và năng lực công nghiệp, điều này đang làm xấu đi chuỗi cung ứng vốn đã bị hạn chế".
Lạm phát nóng nhất trong nhiều thập kỷ đã buộc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất trong phản ứng siết chính sách tiền tệ để đưa lạm phát về vùng kiểm soát. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell đã đưa ra thông điệp hôm 26/8 rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và chưa sớm đảo ngược đà tăng lãi suất. Trong khi đó, một số quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang cân nhắc thảo luận việc tăng 0,75% vào tháng 9.
Ben Powell, chiến lược gia tại Viện đầu tư BlackRock, cho biết: “Người tiêu dùng đang phải đối mặt với mức giá cao hơn cho mọi mặt hàng”.
Nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu có dấu hiệu giảm mạnh khiến giá điện khu vực này tăng vọt. Các nhà kinh tế của UBS Group AG cho biết nền kinh tế khu vực đồng tiền chung euro đã bước vào suy thoái, trong khi đó Morgan Stanley tuần trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực. Ở Anh, hóa đơn năng lượng cao gấp 3 lần trong mùa đông này, gia tăng thêm sức ép đối với quốc gia vốn lạm phát đã ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ.
"Bão giá" và tác động của nó đang diễn ra khắp mọi nơi, buộc các chính phủ xem xét những lựa chọn khó khăn. Nhật Bản đang có kế hoạch sử dụng trở lại điện hạt nhân, trong khi Đức đang hồi sinh các nhà máy nhiệt điện than cũ. Kosovo đã bắt đầu mất điện, tình trạng này có thể lây sang các quốc gia khác khi nhu cầu dự trữ tài nguyên ngày càng trở nên cấp thiết.
Việc phân bổ công suất điện sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các nhà sản xuất chip vốn cần sử dụng lượng điện lớn để tạo ra các chip bán dẫn.
Thiệt hại gây ra đối với các công ty công nghiệp và hóa chất cũng đáng kể. Yara International ASA và Grupa Azoty SA đã cắt giảm sản lượng, nguồn cung phân bón thấp hơn có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp, dẫn đến hậu quả tăng chi phí lương thực. Các nhà sản xuất ô tô của Anh cho biết chi phí năng lượng cao đang đe dọa sản lượng, trong khi một nhà máy Honda Motor ở Trung Quốc đã đóng cửa trước lệnh hạn chế sử dụng điện trong bối cảnh nắng nóng trầm trọng ở khu vực tỉnh Tứ Xuyên làm xói mòn năng lực thủy điện.
Beata Manthey, chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu tại Citigroup cho biết: “Các chính phủ sẽ in tiền để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng họ không thể in ra khí đốt, in điện để phục vụ lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ và bán lẻ”.
"Đãi cát tìm vàng", sàng lọc cổ phiếu sinh lãi
Tránh được cạm bẫy (các cổ phiếu có nguy cơ thua lỗ) cũng chỉ là một nửa chiến thắng trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Việc xác định những cổ phiếu có khả năng sinh lời mới là ưu tiên của các nhà đầu tư chứng khoán.
Gary Dugan, Giám đốc điều hành tại Văn phòng CIO toàn cầu cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội mua cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi có thể thấy lợi nhuận rất cao bằng việc chi trả cổ tức tốt, điều này khiến các loại cổ phiếu này trở nên đặc biệt hấp dẫn ở Hoa Kỳ, nơi có ít rủi ro về thuế đối với lĩnh vực này”.
Bank of America Private Wealth Management đang bám sát chiến lược FAANG 2.0 - các cổ phiếu thuộc nhóm nhiên liệu, hàng không vũ trụ & quốc phòng, nông nghiệp, hạt nhân và năng lượng tái tạo, vàng và kim loại.
Joseph Quinlan, chiến lược gia trưởng về thị trường, nói: “Đó là một cuộc chơi dựa trên các tài sản và vật chất. Chúng tôi đang trú ẩn trong các cổ phiếu này, chúng đang giao dịch tương đối tốt so với phần còn lại của thị trường”.
Các chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới đã chuyển sang thúc đẩy năng lượng tái tạo trong nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy triển vọng cho ngành này. Nhưng trong ngắn hạn, giới chuyên gia cho rằng triển vọng khá ảm đạm do năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng và hòa lưới điện để đáp ứng các mục tiêu năng lượng xanh sẽ mất nhiều thời gian và các thiết bị công nghiệp như thép và nhôm hiện đang thiếu hụt.
Trong khi đó, sự tăng giá năng lượng, tác động của nó đối với hộ gia đình, doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận hàng ngày đang thúc đẩy các nhà đầu tư chấp nhận ở trong một tình trạng không thể thay đổi ngay lập tức.