Đảm bảo các phương án xử lý tình huống phát sinh khi chuyển tiền từ ngày 1/7

Đông Bắc 10:45 | 27/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đơn vị trung gian thanh toán thực hiện Quyết định 2345 quy định về việc chuyển tiền.

Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng sẽ được áp dụng sau một tuần nữa, từ đầu tháng 7.Trong đó, xác thực trong thanh toán trực tuyến ngân hàng trên Internet (gồm Internet Banking và Mobile Banking) sẽ chia làm bốn cấp độ, từ đơn giản tới phức tạp.

Đơn giản nhất là giao dịch loại A, khách hàng chỉ cần xác thực bằng tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN, và không bắt buộc xác thực tại bước thực hiện giao dịch nếu đã đăng nhập trước đó. Cách thức này tương tự việc thanh toán, chuyển tiền nhanh, thường áp dụng với khoản tiền dưới 1 hoặc 5 triệu đồng tại một số ngân hàng trước đây.

 Khách hàng thực hiện cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Ảnh BTC.

 Tuy nhiên, sau 1/7, hình thức này chỉ được áp dụng với các giao dịch tra cứu thông tin; chuyển tiền trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ dưới 5 triệu đồng.

Chuyển tiền cho người khác, cho dù cùng hay khác ngân hàng; chuyển tiền, nạp, rút tiền với ví điện tử dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày phải áp dụng giao dịch loại B.

Xác thực cấp độ này bằng các hình thức OTP, nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay, hoặc bằng chữ ký điện tử an toàn. Giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị 5-100 triệu đồng trong một lần hoặc một ngày giao dịch cũng phải áp dụng cấp độ này.

Sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc tài khoản định danh điện tử thuộc về hai cấp độ giao dịch C và D.

Với khách hàng chưa có căn cước công dân (CCCD), CCCD gắn chíp, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.

Đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC3, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học về lưu trữ thông tin thiết bị thực hiện giao dịch được thực hiện qua 2 cách.

Thứ nhất, khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Thứ hai, khách hàng khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra thực hiện như sau:

Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chíp của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua điện thoại đọc CCCD gắn chíp của đơn vị.

Hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Đối với lưu trữ thông tin thiết bị (bao gồm cả trên máy tính sử dụng trình duyệt web) thực hiện giao dịch: Đơn vị lưu trữ các thông tin định danh về thiết bị thực hiện giao dịch theo nguyên tắc chỉ cần lưu các thông tin để có thể định danh duy nhất thiết bị.

Ngân hàng Nhà nước lưu ý các đơn vị chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học.

Các đơn vị chủ động phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và các tổ chức khác có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học từ ngày 1/7.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin. Để phòng tránh ách tắc giao dịch và hỗ trợ khách hàng kịp thời, khuyến khích các đơn vị đã hoàn thành triển khai, sớm thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Tại họp báo Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi trẻ và Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 28/5, Ngân hàng Nhà nước công số những số liệu cho thanh toán không tiền mặt đang phát triển với tốc độ nhanh. 4 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57% về số lượng và hơn 39% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14% về số lượng và gần 8% về giá trị, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. 40 nhà băng đã triển khai mở tài khoản bằng định danh điện tử (eKYC) với gần 35 triệu tài khoản thanh toán.