Đấu giá đất Tiến Thịnh - Mê Linh: Cao nhất 37 triệu/m2, rao chênh hàng trăm triệu đồng ngay sau phiên đấu giá
Chiều nay 28/9 vừa diễn ra phiên đấu giá 11 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh (đợt 5), huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Các thửa này đều có diện tích 90 m2, giá khởi điểm 23,2 triệu đồng/m2. Tổng tiền theo giá khởi điểm là hơn 2 tỷ đồng/thửa, tiền đặt trước là 417,6 triệu đồng/thửa.
Kết thúc phiên đấu giá, cả 11 thửa đất đều tìm được chủ nhân. Theo ghi nhận của người viết, giá trúng cao nhất ở mức 37,2 triệu đồng/m2, thuộc về thửa đất ký hiệu LK02-8. Như vậy, giá trúng cả thửa là hơn 3,3 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với giá khởi điểm.
Giá trúng thấp nhất được ghi nhận ở mức 31,2 triệu đồng/m2, cùng thuộc về hai thửa đất ký hiệu LK02-2 và LK02-3. Như vậy, hai thửa này đã được nhà đầu tư trả khoảng 2,8 tỷ đồng/thửa, gấp khoảng 1,3 lần giá khởi điểm.
Nhà đầu tư ra về sau phiên đấu giá. (Ảnh: Di Anh).
Ngoài ra, có thửa LK02-10 được trả cao nhất ở mức giá 33 triệu đồng/m2, tức gần 3 tỷ đồng. Được biết nhà đầu tư đấu trúng hiện đang rao bán thửa đất này với mức chênh 200 triệu đồng.
Thửa LK02-1 là lô góc, có giá trúng 32,8 triệu đồng/m2, tức hơn 2,9 tỷ đồng, đang được rao bán trên thị trường với mức chênh 300 triệu đồng.
Giá trúng của một số thửa đất khác như LK02-5 là 33,6 triệu đồng/m2 (tức hơn 3 tỷ đồng), thửa LK02-6 là 35,6 triệu đồng/m2 (tức 3,2 tỷ đồng), thửa LK02-7 là 36,2 triệu đồng/m2 (tức gần 3,3 tỷ đồng).
Theo tìm hiểu, cả 3 thửa đất này nằm liền kề nhau và đều được ông Nguyễn Trung K. (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) trả mức giá cao nhất tại phiên đấu. Trao đổi với người viết, ông K. thông tin đang rao bán các thửa này với giá chênh 200 triệu đồng/thửa. Trong trường hợp có khách mua lại cả 3 thửa cùng lúc thì để giá chênh "hữu nghị" là 500 triệu đồng.
Về thời gian nộp tiền, địa phương yêu cầu chậm nhất 20 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan Thuế, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, chậm nhất 60 ngày phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền sử dụng đất thì Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND huyện ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá.
Có mặt tại hội trường Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện Mê Linh trong chiều ngày 28/9, môi giới N. chia sẻ, nếu khách hàng mua để phục vụ nhu cầu ở thực thì ổn. Vị trí khu đất nằm ngay cạnh trụ sở UBND xã Tiến Thịnh. Gần đó còn có trường THPT Tiến Thịnh, chợ chiều Xa Mạc. Di chuyển khoảng 20 phút chạy xe là ra tới đường trục Mê Linh, có kết nối với quốc lộ 2A.
"Tuy nhiên, với mức giá này, nếu xác định mua để đầu tư thì tôi nghĩ sẽ hơi khó bán. Lý do bởi đây là khu đất mộ, xung quanh có nhiều mồ mả", chị N. nói.
Môi giới Lê B. (người dân sinh sống ở huyện Mê Linh) cũng có cùng quan điểm. Theo anh B., giá trúng tất cả các thửa đất đều vượt ngưỡng 30 triệu đồng/m2, thửa cao nhất 37,2 triệu đồng/m2 là khá đắt so với vị trí khu đất có nhiều mồ mả.
Người này cho rằng với mức giá như hiện tại, nếu mua để đầu tư thì khó thoát hàng nhanh trong năm nay, có thể sẽ phải "ngâm" đất ít nhất sang năm 2025 mới may ra có khách thiện chí.
Trước đó vào chiều ngày 18/9, tại huyện Mê Linh cũng đã diễn ra phiên đấu giá 32 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa (đợt 6).
Các thửa này có diện tích từ 73,5 - 187,6 m2. Giá khởi điểm dao động 21,7 - 32,8 triệu đồng/m2. Khu đất có phía Đông Nam giáp đường hiện trạng và Nhà văn hoá thôn Bạch Đa, phía Đông Bắc giáp đường BTN Chi Đông - Kim Hoa, phía Tây Nam giáp khu dân cư.
Tổng số tiền đấu giá thu về cho ngân sách là gần 140 tỷ đồng, chênh 54 tỷ đồng so với giá khởi điểm. 32 thửa đất được đấu giá thành công với mức giá dao động 33,3 - 48,9 triệu đồng/m2.
Trong quý III, đất đấu giá vùng ven đô là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm trên thị trường Thủ đô.
Tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng thông tin chỉ trong hơn một tháng qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội đã gây xôn xao. Một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lượng lô đất được bán ra.
Có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên nghiệp tham gia rồi bán lại ngay để kiếm lời. Ngay bên ngoài khu vực đấu giá, đám đông môi giới trực chờ kết quả, sẵn sàng chào mua, bán với giá chênh 200 - 500 triệu đồng một lô đất.
Cơ quan này đề xuất nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá đất đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế theo hướng: tăng tiền đặt cọc, xác định giá khởi điểm sát với thị trường, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia với mục đích đầu cơ. Đồng thời, đề nghị có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Đến ngày 20/9, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Công an thành phố có trách nhiệm phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá đất; đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng sau đó không nộp tiền.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá đất, trong đó hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Thay vào đó, thành phố sẽ ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Thành phố cũng lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.