Để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội phát huy hiệu quả

Đông Bắc 10:33 | 28/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội phải giảm xuống còn khoảng 5 - 6%/năm thì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới phát huy hiệu quả.

 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” hôm 17/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN nhận thấy việc có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội là cần thiết, để tăng cung nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản.

Thống đốc thông tin, NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho cả người xây dựng và người mua nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào nghị quyết sắp tới; trong đó, 55.000 tỷ đồng được phân bổ cho các nhà phát triển vay và 55.000 tỷ đồng cho người mua nhà vay. Gói tín dụng này sẽ được giải ngân tương tự gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội năm 2013 đã giúp vực dậy cả thị trường.

 

  Bộ Xây dựng cũng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội. Ảnh NHNN.

Nhận định về các gói tín dụng trên trong diễn đàn bất động sản mới đây, chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, vấn đề cơ bản thứ nhất cần giải quyết là giá thành sản phẩm. Nhà ở xã hội hiện nay có với giá trung bình khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2. Đây được nhận định là mức giá tương đối cao so với thu nhập của đối tượng công nhân, người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, lãi suất hiện nay cũng khiến cho người vay mua nhà khó tiếp cận, thậm chí kể cả khi đã được ưu đãi giảm 1,5 - 2%.

“Lãi suất trung bình hiện nay trên thị trường khoảng 9 - 10%/năm. Nếu được hỗ trợ 1,5 - 2% thì người mua vẫn phải đóng mức lãi suất khoảng 7 - 8%/năm. Đây vẫn là vấn đề không đơn giản với họ”.

Ông Nghĩa cho rằng lãi suất trung bình của thị trường cần được giảm xuống sao cho người mua nhà ở xã hội chỉ phải trả lãi 5 - 6%/năm thì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới phát huy được tính hấp dẫn với nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, quá trình triển khai chính sách nhà ở xã hội cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng để đảm bảo tính minh bạch, lựa chọn đúng đối tượng, tránh tình trạng trục lợi.

Theo chuyên gia, giải quyết được những vấn đề trên thì gói tín dụng sẽ có tính hấp dẫn cao.

"Nếu như các vấn đề còn lấn cấn, chưa gỡ tháo gỡ được thì chính sách này chỉ là giải pháp tức thời trong bối cảnh nhu cầu bức bách nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ… Còn tác động xa hơn nữa thì chưa có cơ sở để nhìn nhận”, ông Nghĩa cho biết.

Vị chuyên gia cũng nói thêm, không thể mở rộng đối tượng áp dụng cho gói hỗ trợ lãi suất này. Theo đó, về nguyên tắc vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua chương trình khuyến khích nhà ở, tất cả các nước trên thế giới khi đưa ra các chính sách như vậy cũng đều phải nhắm đến đúng đối tượng chứ không mở rộng ra phân khúc nhà ở thương mại, nhà ở xây dựng tự do khác.

“Vì sử dụng nguồn lực của Nhà nước nên ngay từ ban đầu, gói tín dụng sinh ra vì mục tiêu, đối tượng nào thì sẽ giữ nguyên mãi mãi, nếu không thì dừng lại”, chuyên gia cho biết.

 

 Nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ "phá băng" thị trường bất động sản. Ảnh KTĐT.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), về bản chất, hai gói tín dụng nói trên đều nhằm mục đích là hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong quá khứ, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai nhằm phát triển nhà ở xã hội và cho người mua nhà được vay với mức lãi suất ưu đãi và đã vực lại thị trường bất động sản thành công.

Còn hiện nay, do quy mô thị trường đã lớn hơn trước nên Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng với mục đích tương tự nhằm kích thích lại thanh khoản, khơi thông nguồn vốn, cụ thể là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của NHNN dự kiến đưa ra thị trường cho các dự án có nhu cầu cấp thiết và người mua nhà, áp dụng với đối tượng có thể rộng hơn.

"Khi nguồn vốn được khơi thông và lãi suất hạ nhiệt chắc chắn sẽ kích thích được thị trường phát triển tốt trở lại nhưng theo hướng bền vững, lành mạnh. Các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải chọn đúng dòng sản phẩm trọng tâm và có pháp lý rõ ràng",  ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Bộ Xây dựng đề xuất giảm mục tiêu đề án xây nhà xã hội

Vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất giảm số căn nhà xã hội xây đến năm 2030 từ 1,4 triệu xuống hơn 1 triệu, vốn thực hiện cũng bớt 280.500 tỷ đồng.

Liên quan đến việc giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ với Đề án, có 11 trong tổng số 18 phiếu ý kiến đồng ý nội dung Đề án, không có ý kiến bổ sung; ba bộ, ngành có ý kiến bổ sung kèm theo là Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; ba bộ, ngành có ý kiến khác là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; một ý kiến không đồng ý nội dung Đề án là Bộ Tư pháp.

Ban đầu, Đề án do Bộ Xây dựng đưa ra đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các địa phương hoàn thành là hơn 1,4 triệu căn hộ; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành khoảng hơn 571.000 căn hộ; giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành khoảng 845.500 căn hộ.

Đối với mục tiêu trên, có 7/18 bộ, ngành đề nghị cân nhắc mục tiêu, số lượng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2023, để đảm bảo tính khả thi của Đề án.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội tới đây sẽ hạn chế dùng nguồn lực nhà nước; tăng cường huy động nguồn lực xã hội, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Các địa phương cũng phải chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tiếp thu, xem xét bổ sung các ý kiến vào Đề án sau khi đã giải trình các ý kiến đặt ra cho Đề án từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội liên quan đến bố trí nguồn lực xây dựng Đề án; giải pháp thực hiện Đề án...