Đề xuất chỉ định thầu làm nhà ở xã hội: Chuyên gia nói gì?
Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 1/8, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, tập đoàn phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới, tuy nhiên, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành và hỗ trợ.
Tập đoàn kiến nghị chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu. Các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.
Thứ hai, theo Chủ tịch HĐQT Vinhomes, hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25 - 70 m2, do đó tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, rất mất thời gian.
Tập đoàn này đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội song song với việc các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để đẩy nhanh tiến độ. Các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt, doanh nghiệp không tham gia.
Thứ ba, đại diện Vingroup cho biết hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu, tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Vị này đề nghị tiến hành song song các bước như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư... Rút ngắn xuống còn 90 - 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.
Ông Phạm Thiếu Hoa cho biết: “Song song với đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tập trung khắc phục sớm nhất có thể.
Về quan điểm, định hướng trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu là phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Bộ hoàn thành đề án ngay trong tháng 8 này.
Trước đó, nói về một số tồn tại, khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề cập đến việc trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân đã hoàn thành. Tổng quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Ngoài ra, có 401 dự án đang được đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 455.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.
Trong đó, với nhà ở xã hội , 175 dự án quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 4,6 triệu m2 đã hoàn thành. 274 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 14,6 triệu m2.
Với nhà ở công nhân, 126 dự án đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.
Quan trọng hơn cả đấu thầu hay không đấu thầu là giám sát chất lượng
Nhận xét về đề xuất chỉ định thầu làm ở nhà ở xã hội của Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết: "Cá nhân tôi cho rằng nhà ở xã hội thì nên chỉ định thầu, bởi vì nếu đấu thầu thì sẽ làm cho giá cả thay đổi theo hướng bất lợi cho người mua nhà.
Thứ hai là thủ tục đấu thầu rất lâu kéo dài rất lâu, có khi hàng năm trời chưa xong. Có những trường hợp tiền của nhà nước có sẵn rồi mà thủ tục đấu thầu kéo dài tới hai năm vẫn chưa xong, như vậy thì lâu lắm. Chưa kể lâu nay, đấu thầu có hiện tượng dìm giá xuống dẫn đến chất lượng công trình suy giảm, đấu thầu giá thấp để thắng thầu rồi cuối cùng để đảm bảo không lỗ thì chất lượng rất kém, đó là cái đáng ngại nhất của đấu thầu.
Chỉ định thầu thì tất nhiên phải lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt và có tâm nữa. Vì giá bán nhà ở xã hội rất thấp, và cũng rất khó bán chứ không phải dễ đâu. Cho nên thường các doanh nghiệp rất e ngại làm nhà ở xã hội, do đó những doanh nghiệp nhận chỉ định làm nhà ở xã hội thường phải là những doanh nghiệp có tâm và có cả nguồn lực tài chính thì mới làm được".
Theo vị chuyên gia, để làm được như vậy, Chính phủ phải xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có một Nghị quyết hoặc cơ chế đặc thù nào đó, để không xung đột với các Luật khác.
"Nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn cả việc đấu thầu hay không đấu thầu, là việc phải chuẩn hóa quy định xây dựng cũng như có cơ chế giám sát thi công đảm bảo minh bạch và trung thực, giám sát chất lượng chặt chẽ và nghiêm ngặt. Cái đó là quan trọng nhất", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.