Điện gió đối mặt tình trạng sản xuất ra không bán được hết
EVN có văn bản gửi Bộ Công Thương về phát triển điện gió ở Việt Nam năm 202; theo đó dự kiến nguồn điện gió đưa vào vận hành thời gian tới sẽ đối mặt tình trạng sản xuất ra không bán được hết.
Thừa cung
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam năm 2021.
Điện gió đối mặt tình trạng sản xuất ra không bán được hết
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến nguồn điện gió đưa vào vận hành thời gian tới sẽ đối mặt tình trạng sản xuất ra không bán được hết, có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao.
Báo cáo của EVN cho hay đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất là 6.038MW.
Căn cứ báo cáo của các chủ đầu tư, tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại của các dự án điện gió: số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án, tổng công suất là 582MW; số các dự án dự kiến tiếp tục vào vận hành thương mại trước 31/10 tới là 87 dự án, với tổng công suất là 4.432MW; số các dự án không thể vận hành thương mại trước 31/12 tới là 14 dự án với tổng công suất là 1.024MW.
Đánh giá tình hình cắt giảm năng lượng tái tạo, theo EVN, trong thời gian tới, theo yêu cầu cắt điện đường dây 500KV Nho Quan-Hà Tĩnh, để đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục cắt điện đường dây 500 kV, 220kV nằm trong tổng thể cắt điện đấu nối mạch 3 đường dây 500kV, sẽ tiếp tục phải thực hiện tiết giảm các nguồn năng lượng tái tạo.
Về tổng quan, giai đoạn mùa lũ và cuối năm 2021, hiện tượng thừa nguồn sẽ tiếp tục xuất hiện khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Từ tháng 10-12 tới, khi các nguồn điện gió vào vận hành đủ, đồng thời với giai đoạn mùa lũ miền Trung-Nam, lượng công suất thừa có thể lớn hơn với thời gian dài hơn.
Giai đoạn tháng 7-9 tới đây, EVN đánh giá "đây là thời kỳ lũ chính vụ miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiểu nhiệt điện than theo điều kiện kỹ thuật, hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung-Bắc duy trì ở mức thấp.
Điều này làm cho nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống trở nên trầm trọng hơn. Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên tới 3.000/6.500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là hơn 180 triệu kWh.
Giai đoạn tháng 10-12 tới, EVN cho biết đây là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500kV cùng với thừa nguồn điện trên hệ thống trong ngày thường hoặc Chủ Nhật có thể đạt 6.800 MW/10.800 MW. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là 350-400 triệu kWh.
EVN cũng lưu ý rằng “trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành sớm hơn so với tiến độ dự kiến, hoặc các thủy điện đồng loạt xả, lượng năng lượng tái tạo bị cắt giảm còn có thể cao hơn”.
Nhiều dự án điện gió vẫn được xúc tiến
Theo Nhịp cầu đầu tư, mặc dù được cho là có thể dư thừa nguồn điện gió, nhưng mới đây, GE Renewable Energy đã công bố ký kết hợp tác với Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) cung cấp 8 tuabin gió 3,8MW-137 cho dự án điện gió Thuận Nhiên Phong ở tỉnh Bình Thuận. Hợp tác này cũng bao gồm thỏa thuận quản lý vận hành và bảo dưỡng tuabin trong vòng 10 năm.
Nhiều dự án điện gió vẫn được xúc tiến
Dự án điện gió Thuận Nhiên Phong sẽ được vận hành với loại tuabin 3,8 MW của GE, có đường kính vòng quay cánh quạt 137m và chiều cao trụ 131,4m, thiết kế phù hợp với điều kiện gió ở tỉnh Bình Thuận.
Ông Gilan Sabatier, Giám đốc mảng Điện gió trên bờ khu vực Nam Á và ASEAN của GE Renewable Energy cho biết: "Chúng tôi luôn mong chờ cơ hội hợp tác với Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam VNECO trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và thật vinh dự khi được lựa chọn là nhà cung cấp cho dự án điện gió Thuận Nhiên Phong. Dự án này tiếp tục khẳng định cam kết và nỗ lực của GE Renewable Energy tại Việt Nam, góp phần củng cố vai trò của chúng tôi trong quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước".
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam cho biết: "Chúng tôi vui mừng được hợp tác với GE - một trong những nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới, đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió. Với sự kết hợp giữa công nghệ tuabin gió hàng đầu và kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực xây dựng điện, chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác chiến lược của VNECO và GE sẽ tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội, môi trường và con người".
Minh Hoa