Doanh nghiệp FDI phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 8 tháng, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 3 điểm phần trăm so với 7 tháng. Đây có thể coi là con số “kỷ lục”, so với ngay cả trước thời điểm dịch COVID-19 xảy ra. Cụ thể, 8 tháng năm 2020, các dự án đầu tư nước ngoài giải ngân được 11,35 tỷ USD và 8 tháng năm 2021 đạt 11,58 tỷ USD. Xét cả quá trình như vậy, rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng qua là rất tích cực.
Việc Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế đã góp phần quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc triển khai các dự án của mình. Cụ thể, mới đây, nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, với tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, đã chính thức được vận hành thương mại. Việc dự án này đi vào hoạt động giúp cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện/năm lên lưới điện quốc gia, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Các khoản tăng vốn của Samsung, trị giá hơn 2 tỷ USD ở Thái Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh cũng sẽ sớm được đưa vào thực hiện.
Theo các chuyên gia kinh tế, trên thực tế, vốn giải ngân mới là con số quan trọng, bởi đó là dòng vốn thực đưa vào nền kinh tế, qua đó tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu vốn đăng ký mới suy giảm thì sẽ ảnh hưởng đến vốn giải ngân trong những giai đoạn sau.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, nên ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.
Thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra những cảnh báo về việc Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, nên vốn đầu tư đăng ký mới chưa phục hồi.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đang đưa ra những chính sách hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, do đó tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, có công nghệ cao và sức lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, bao gồm: tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần khẳng định, muốn đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực đất đai, nhân lực, hạ tầng… đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…