Quảng Ninh dự kiến thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI vào công nghiệp trong năm 2023
Chiều ngày 1/2 UBND tỉnh Quảng Ninh đã cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện kế hoạch tổng thể thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh,lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong số 18 dự án FDI mà tỉnh Quảng Ninh dự kiến thực hiện, có 16 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD vào 5 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng trên 10% chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Quảng Ninh năm 2023 đã đề ra.
Theo đó, tại thị xã Quảng Yên gồm: Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong thu hút 4 dự án; Khu công nghiệp Sông Khoai thu hút 6 dự án; Khu công nghiệp Đông Mai thu hút 3 dự án, tất cả đều là các dự án mới. Tại TP. Móng Cái, Khu Công nghiệp Hải Yên dự kiến thu hút 1 dự án mới và tại huyện Hải Hà, Khu công nghiệp Texhong dự kiến thu hút 2 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án. Hiện tại, các dự án dự kiến thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp: Bắc Tiền Phong, Đông Mai, Hải Yên cơ bản đủ điều kiện thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án còn lại gặp khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng đầu tư hạ tầng kỹ thuật …
Phát biểu tại cuộc họp, Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh là "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân". Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế lên kế hoạch chi tiết tiến độ cụ thể cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từng dự án theo từng quý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 05/02".
Đối với khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, đồng chí yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên làm việc với Tập đoàn Công nghiệp, Than - Khoáng sản Việt Nam để sử dụng đất đá thải mỏ thay thế, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh, hạn chế sử dụng đất đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Đối với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp khác, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng theo đúng yêu cầu, chất lượng, tiến độ cam kết để tạo sức hấp dẫn, thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư thứ cấp, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, giữ đất trong các khu công nghiệp.
Lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD về thu hút FDI -
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ban đạt gần 180,6 triệu USD. QEZA đã báo cáo UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm 257 triệu USD; đang hướng dẫn 3 dự án FDI hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 186,2 triệu USD. Như vậy, tổng vốn FDI sẽ được nâng lên 623,8 triệu USD. Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, nếu tính cả các dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thì đây là năm đầu tiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh vượt mốc 2 tỷ USD.
Đóng góp lớn nhất là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 7.2022, tổng vốn 1,998 tỷ USD.