Doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa duy trì hoạt động trong đại dịch bằng cách nào?

08:17 | 09/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp, kéo dài, phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng 35 doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) vẫn hoạt động ổn định. Các doanh nghiệp này giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 160.000 lao động với mức thu nhập bình quân gần 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Đảm bảo lương, phụ cấp cho công nhân đúng kỳ

Trong điều kiện khó khăn với đại dịch COVID - 19 trong sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp nói chung hoạt động cầm chừng, nhiều lao động phải nghỉ việc tạm thời, gián đoạn lao động, nhưng các doanh nghiệp FDI có số lượng lớn công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì tốt việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa hiện có 35 doanh nghiệp FDI có đông công nhân lao động giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 160.000 lao động với mức thu nhập bình quân gần 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Thanh Hóa hiện có 35 doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 160.000 lao động

Theo báo cáo của công đoàn cơ sở, 35 doanh nghiệp FDI duy trì tốt việc làm cho công nhân lao động, thực hiện việc chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe và các khoản tiền phụ cấp khác cho công nhân đúng kỳ.

Trong đó có 34/35 công ty tăng ca từ 1 - 4 giờ/ngày ở một số bộ phận, cụ thể có 17 công ty tăng ca từ 1- 1,5 giờ/ngày; 14 công ty tăng ca từ 2 - 3 giờ/ngày; 3 công ty tăng từ 3,5 - 4 giờ/ ngày. Có 28 công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động, trong đó có nhiều công ty tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam, Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam…

“Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19 lần thứ 4 này nhưng công ty không phải gián đoạn công việc hay cắt giảm nguồn nhân lực. Từ việc chuẩn bị và đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch và hiệu quả từ các tổ an toàn COVID-19 tại các phân xưởng cũng như việc tự giám sát nhau đảm bảo sức khỏe. Chính sự chuẩn bị chu đáo an toàn đó cũng tạo sự an toàn cũng như nâng cao ý thức cho công nhân yên tâm làm việc. Vì vậy mà, không nhưng đảm bảo duy trì sản xuất mà chúng tôi còn tăng đơn hàng, nhu cầu mở rộng phân xưởng và tuyển lao động bổ sung là rất lớn”, chị Vũ Thị Mai Loan, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam khu công nghiệp Hoàng Long (TP. Thanh Hóa) cho biết.

Trao đổi với PV, anh Vũ Ngọc Thắng, công nhân Công ty TNHH Giầy Adiana Việt Nam (xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn) chia sẻ: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc kiểm soát lịch trình di chuyển, bảo hộ của mỗi cá nhân khi ra vào công xưởng, được công ty tôi làm rất chặt chẽ. Vì vậy, hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường, công việc của chúng tôi được duy trì ổn định, dịp gần cuối năm đơn hàng nhiều hơn, nên thường tăng ca thêm khoảng 1 – 1,5 tiếng/ ngày. Nhờ vậy mà thu nhập của chúng tôi dao động từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, đảm bảo lo đời sống cho bản thân và gia đình”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thăm, kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Aleron Việt Nam

Theo tổng hợp mới nhất từ Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, tính riêng tháng 8/2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 1,36% so với tháng trước, tăng 8,43% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,48% so với tháng trước, tăng 8,48% so với tháng cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,54% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 5,72%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,43%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 2,60%...

Một thông tin đáng lưu ý nữa là, 8 tháng năm 2021, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh tăng 18,68% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 7,79%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,19% so với cùng kỳ năm 2020. Đó chính là dấu hiệu cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa rất khả quan.

Thành lập các “Tổ an toàn COVID – 19” tạo khiên chắn vững chắc

Khi tình hình dịch COVID - 19 diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “1 đường đi, 2 điểm dừng” và “3 tại chỗ”. 

Đến đầu tháng 9/2021, đã có nhiều doanh nghiệp FDI tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa thực hiện phương châm “1 cung đường 2 điểm dừng” - tức là tổ chức đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, khuyên người lao động không tiếp xúc, đi nhiều nơi. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp FDI đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (tổ chức lưu trú, làm việc và ăn uống tại công ty)

Đồng thời các doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa thực hiện theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa thành lập các “Tổ an toàn COVID - 19” có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn công nhân lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khoẻ hàng ngày đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động trong đơn vị. Phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và quy chế của doanh nghiệp, báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, công đoàn cơ sở và bộ phận y tế của doanh nghiệp khi phát hiện các trường hợp công nhân lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời.

Tổ An toàn COVID - 19 trên xe đưa đón công nhân sẽ thực hiện nền nếp các nhiệm vụ được giao

“Tổ an toàn COVID - 19” còn hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp khi doanh nghiệp có người mắc bệnh hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập khoảng 6.000 “Tổ An toàn Covid-19”. Trong đó, doanh nghiệp FDI có tới 2.468 tổ. Bởi Thanh Hóa là tỉnh có trên 187.000 công nhân, lao động làm việc trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Trong đó, có khoảng 120 doanh nghiệp có từ 200 công nhân, lao động, hơn 20 doanh nghiệp có từ 1.000 người trở lên. Đặc biệt, có những doanh nghiệp FDI có số lượng công nhân lao động lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Annora Việt Nam với 20.000 người. Đồng thời có thêm “Tổ An toàn Covid - 19” tại khu nhà trọ và trên xe chuyên chở công nhân lao động nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát dịch bệnh, góp phần đảm bảo an toàn khép kín cho công nhân lao động. Mô hình “Tổ An toàn Covid-19” được thành lập đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, đơn vị, khu nhà trọ và xe ô tô chuyên chở công nhân, lao động được tiến hành nghiêm ngặt, chuyên nghiệp và khoa học hơn. “Tổ an toàn COVID -19” trở thành "lá chắn thép" bảo vệ cho các doanh nghiệp FDI và nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, tại các nhà máy, công xưởng của doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa đã tiến hành thu thập khai báo y tế với tất cả hành khách và đối tác giao dịch hàng ngày, thực hiện quét thân nhiệt với mọi trường hợp vào nhà máy, các khu vực tập trung đông người như bếp ăn tập thể đã được bố trí vách ngăn và giãn cách tối thiếu 2m/người. 100% công nhân được trang bị khẩu trang kháng khuẩn, khu vực nhà xưởng được bố trí nước khử khuẩn với mật độ dày để thuận tiện cho nhân viên vệ sinh.