Doanh nghiệp hiến kế cho du lịch Hưng Yên

Lê Thị Xuân Phương 18:58 | 21/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với tiềm năng đa dạng, Hưng Yên định hướng phát triển du lịch không chỉ nhanh mà còn bền vững.

Ngày 20/5, Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên được tổ chức tại trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) với sự tham gia của đại diện Tổng cục du lịch, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và các doanh nghiệp lữ hành. Hội nghị nhằm đánh giá, định hướng xây dựng phát triển sản phẩm du lịch của Hưng Yên sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tìm ra hướng đi cho tỉnh nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch và tiềm năng sẵn có của tỉnh.

Du lịch Hưng Yên giàu tiềm năng nhưng đối mặt nhiều thách thức

Theo ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, với tiềm năng du lịch dồi dào, lợi thế về vị trí địa lý nằm ven sông Hồng, giáp Thủ đô Hà Nội, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, Hưng Yên đang và sẽ trở thành một điểm du lịch độc đáo đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.802 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên và chùa Thái Lạc huyện Văn Lâm), 175 di tích cấp quốc gia, 257 di tích cấp tỉnh và 5 bảo vật quốc gia cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống văn hóa và phát triển du lịch.

Nguồn: Phương Lê

Ngoài ra, Hưng Yên còn có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với 400 lễ hội truyền thống, nền ẩm thực phong phú. Đây cũng là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống.

Tài nguyên đa dạng là điều kiện để Hưng Yên phát triển các loại hình du lịch phong phú. Trong thời gian qua, với nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch, Hưng Yên đã hình thành một số tour, tuyến. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm du lịch sinh thái (khu đô thị Ecopark), du lịch văn hóa, trải nghiệm (Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt), du lịch lễ hội dân gian truyền thống; du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch làng nghề, du lịch văn hoá tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng (Phố Hiến- Đa Hoà Dạ Trạch- Làng gốm Bát Tràng- Hà Nội)…

 Nguồn: Phương Lê 

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Hưng Yên đã được chú trọng hơn trước thông qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh; các hội chợ triển lãm du lịch, đồng thời liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong vùng nói riêng. Vì vậy, hình ảnh và sản phẩm du lịch của Hưng Yên ít nhiều đã đến được với du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, du lịch Hưng Yên vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, tiềm năng và thế mạnh du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp.

 Nguồn: Phương Lê 

Du lịch của địa phương bộc lộ nhiều hạn hế như phần lớn tài nguyên du lịch của tỉnh là các di tích lịch sử, văn hoá chưa thu hút nhiều khách du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật (bao gồm hệ thống các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch,…) thiếu và xuống cấp; tầm nhìn quy hoạch – đầu tư thấp, chưa ổ̉n định, thiếu tính lâu dài; sản phẩm du lịch chưa phong phú, trùng lặp; chất lượng sản phẩm thấp, không đạt chuẩn; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; sông tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế,.v.v...

Cũng như toàn ngành du lịch nước nhà, du lịch Hưng Yên cũng đang từng bước hồi phục sau đại dịch. Lượng khách đến Hưng Yên còn ở mức thấp so với thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh, chủ yếu là khách trong vùng, thời gian lưu trú ngắn.

"Nếu được định hướng và đầu tư phát triển một cách hợp lý, ngành du lịch Hưng Yên lên một tầm cao mới. Hưng Yên đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước", ông Hiệu bày tỏ kỳ vọng vào ngành du lịch tỉnh nhà.

Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng cho du lịch Hưng Yên

Trong thời gian tới, du lịch Hưng Yên sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá; đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh; xác định, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, triển khai các nhiệm vụ kích cầu du lịch, góp phần vực dậy ngành du lịch Hưng Yên sau đại dịch Covid-19.

 Nguồn: Phương Lê 

Đại diện Tổng cục Du lịch, Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhấn mạnh Hưng Yên cần đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm khác biệt, tận dụng thế mạnh của tỉnh, để định hình bản sắc riêng của Hưng Yên trong bản đồ du lịch nước nhà. Đồng thời, ông đề xuất tỉnh nên tìm đến các chuyên gia, doanh nghiệp đóng góp ý tưởng, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.

Định hướng phát triển du lịch của tỉnh là không chỉ là phát triển nhanh mà còn phát triển bền vững. Đại diện tỉnh mong muốn các doanh nghiệp lữ hành đóng góp ý tưởng cho Hưng Yên phát triển các sản phẩm mới trong thời gian tới.

Ông Cao Đức Chung, Vido Tour, đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền địa phương với ngành du lịch và nỗ lực của doanh nghiệp địa phương trong việc tạo ra những tour du lịch nửa ngày phục vụ du khách. Ông đề xuất tỉnh nên có tiểu ban phát triển du lịch theo tuyến, chủ đề với lộ trình khép kín.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Vietsense Travel cũng cho rằng tài nguyên du lịch đa dạng là chưa đủ. Xuất phát từ thực tế Hưng Yên chưa thực sự có sản phẩm đặc sắc, các điểm đến còn khá nhỏ lẻ, rải rác và chưa có sự sắp xếp hợp lý, ông Tài đề xuất Hưng Yên nên liên kết các điểm đến một cách logic để tạo trải nghiệm thuận tiện cho du khách. Đồng thời, theo ông Tài, tỉnh cũng cần đánh giá lại thị trường mục tiêu của mình để xây dựng các sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, với tài nguyên du lịch sinh thái dồi dào, Hưng Yên có thể đẩy mạnh các mô hình farmstay giữa vườn hoa, cây ăn quả; tận dụng những tour du lịch ngắn ngày.

Tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ, tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, thay đổi nhận thức về phát triển du lịch. Bằng chứng là cơ sở vật chất và các sản phẩm du lịch từng bước được hình thành, có nét chấm phá như Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, khu đô thị sinh thái Ecopark. Thời gian tới, tỉnh sẽ hệ thống lại những ý tưởng, vận hành các chương trình kế hoạch, xây dựng chính sách phù hợp để phát triển du lịch. Ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, ông Hưng nhận định: "Các sản phẩm nếu tồn tại đơn lẻ thì khó thu hút du khách, ngược lại, nếu liên kết thành một chuỗi sẽ phát huy hết giá trị. Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch, đưa ngành du lịch không chỉ đi nhanh mà còn bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.