Doanh nhân Gautam Adani: Từ quá khứ 'cơ hàn' thành người giàu nhất châu Á
Theo bảng xếp hạng Real time của Forbes, tỷ phú Gautam Adani – ông chủ Adani Group hiện sở hữu khối tài sản trị giá 127,9 tỷ USD và là người giàu thứ 5 thế giới. Doanh nhân Ấn Độ này cũng là tỷ phú châu Á giàu nhất trong lịch sử, theo ghi nhận của Forbes.
Ông Adani sinh năm 1962 ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ trong một gia đình đông con và kinh doanh ngành dệt may. Adani theo học Đại học Gujarat chuyên ngành thương mại, nhưng đến năm thứ hai thì ông bỏ học. Ở tuổi 18, Adani quyết định tìm cơ hội tại Mumbai, thành phố kinh tế phát triển sôi động nhất Ấn Độ chỉ với 100 rupee trong túi.
Ông xin vào làm ở một tổ máy phân loại kim cương tại công ty Mahindra Brothers. Sau hai năm làm việc tại đây, Adani nghỉ việc, tự thành lập doanh nghiệp môi giới kim cương. Đến năm 20 tuổi, ông đã tích lũy được một số tiền không nhỏ. Sau đó, Adani trở về quê nhà bang Gujarat để giúp người anh trai vận hành một cơ sở kinh doanh đồ nhựa.
Theo Bloomberg Billionaires Index, Gautam Adani hiện sở hữu 105 tỷ USD, là người giàu thứ 5 thế giới và giàu nhất châu Á. Với việc tài sản tăng 28,2 tỷ USD, ông hiện cũng là tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất thế giới năm nay.
Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises, công ty hàng đầu của tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Năm 1994, Adani Enterprises đã được chính quyền bang Gujarat chấp thuận thành lập một bến cảng để xếp dỡ hàng hóa của chính công ty tại Cảng Mundra. Nhận thấy tiềm năng của dự án, Adani quyết định biến nó thành một thương cảng. Ông đã xây dựng "cầu nối" giữa đường sắt và đường bộ bằng cách đàm phán riêng với hơn 500 chủ đất trên khắp cả nước để tạo ra cảng lớn nhất ở Ấn Độ. Năm 2009, Adani tiếp tục gia nhập lĩnh vực sản xuất điện.
“Phất lên” từ kinh doanh than và sở hữu một dự án khai mỏ than ở Australia vấp phải sự tranh cãi của nhiều nhà hoạt động môi trường, ông Adani đang đẩy mạnh sự phát triển của tập đoàn khỏi lĩnh vực năng lượng hoá thạch. Ông đã và đang có những bước tiến nhanh trong cách lĩnh vực năng lượng tái sinh, sân bay, trung tâm dữ liệu và nhà thầu quốc phòng. Đây cũng chính là những lĩnh vực được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ưu tiên, coi là có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển đất nước và thực hiện các mục tiêu kinh tế dài hạn của quốc gia tỷ dân.
Adani mở rộng đế chế của mình với các thương vụ lớn như mua 74% cổ phần của Sân bay Quốc tế Mumbai năm 2020 hay chi 3,5 tỷ USD mua lại cổ phần mảng năng lượng tái tạo ở Ấn Độ của Softbank. Hôm 22/4, Adani cũng đồng ý mua Ocean Sparkle, công ty dịch vụ hàng hải lớn nhất của Ấn Độ, trong một thỏa thuận trị giá 220 triệu USD.
2021 là năm ấn tượng với giới giàu, khi 500 người giàu nhất thế giới có thêm hơn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ phú Gautam Adani vẫn rất nổi bật, với tài sản tăng 42,7 tỷ USD – thuộc top lớn nhất thế giới. Tháng 2 năm nay, ông còn vượt Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á.
Adani Group hiện có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc phát triển các mảng kinh doanh phù hợp với định hướng của Thủ tướng Narenda Modi giúp các công ty của tỷ phú Adani ăn nên làm ra. Một số cổ phiếu công ty thuộc Adani Group đã tăng hơn 1.000% kể từ năm 2020.
Chỉ trong vòng 3 năm, ông Adani đã giành quyền kiểm soát 7 cảng biển và khoảng 1/4 giao thông đường không ở Ấn Độ. Tập đoàn của ông hiện sở hữu nhà vận hành cảng hàng không lớn nhất, nhà phát điện lớn nhất và công ty bán lẻ khí đốt lớn nhất thuộc khu vực tư nhân của Ấn Độ. Sanjiv Bhasin – Giám đốc hãng môi giới chứng khoán IIFL cho biết một số công ty thuộc Adani Group, như các công ty cảng biển, hoạt động "gần như độc quyền".
Nhiều công ty nước ngoài, gồm Total SE và Warburg Pincus LLC đã đầu tư vào các công ty của Adani trong năm 2021. Đầu tháng này, công ty International Holding Co. do anh trai của thái tử Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) điều hành đã đầu tư 2 tỷ USD vào 3 công ty năng lượng xanh của ông Adani. Tỷ phú Ấn Độ kỳ vọng tập đoàn của ông trở thành nhà sản xuất năng lượng xanh lớn nhất thế giới, với mục tiêu đầu tư lên tới 70 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: Adani Group)
Tài sản của các tỷ phú phình to rất nhanh trong vài năm qua. Năm 2017, Jeff Bezos của Amazon là người đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD sau Bill Gates năm 1999. Elon Musk – người giàu nhất thế giới hiện tại với 288 tỷ USD – đạt mốc này năm 2020.
Tài sản của Adani tăng lên nhanh chóng trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Từ 8,9 tỷ USD hai năm trước, tài sản của ông Adani đã tăng vọt lên khoảng 50,5 tỷ USD vào tháng 3/2021 và tới tháng 3 năm nay đạt khoảng 90 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu các công ty con tiếp tục tăng. Con số này hiện là gần 128 tỷ USD.
Trong cuộc đời Gautam Adani, tỷ phú giàu nhất châu Á từng trải qua một số tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Năm 1998, ông bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Đến năm 2008, Adani là một trong những con tin bị giam giữ tại khách sạn Taj Mahal Palace ở Mumbai trong cuộc tấn công khủng bố khiến ít nhất 166 người thiệt mạng.