Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 6,8%
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tốc độ tăng cao nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021 khi nền kinh tế phục hồi từ mức nền thấp của năm 2021 - thời điểm làn sóng dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành. Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả nước đạt 6,42%, cao hơn mức tăng 2,04% của cùng kỳ năm 2020 và 5,74% của cùng kỳ năm 2021.
Nhận định về bức tranh vĩ mô 6 tháng đầu năm, nhóm nghiên cứu BSC cho rằng nền kinh tế đang duy trì đà phục hồi tích cực.
Đầu tiên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới lên tới 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê. Sử dụng lao động công nghiệp toàn ngành tăng 8,73% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng ngành chế biến chế tạo tăng 9,66%.
“Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 42,97% so với cùng kỳ, cho thấy một số bộ phận doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, ngành nghề còn nhiều khó khăn”, báo cáo của BSC chỉ ra.
Về sản xuất, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 6 đạt mức 54 điểm, giảm nhẹ so với mức 54,7 điểm trong tháng 5. Tình hình sản xuất công nghiệp ở các lĩnh vực đều duy trì đà tăng trưởng ổn định, tuy nhiên các nhà phân tích nhận định giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển cũng tăng theo.
Về tiêu dùng, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng duy trì đà hồi phục với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt 11,71% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương với mức tăng trưởng trước dịch. Đặc biệt, du lịch lữ hành tăng 94,41% do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa trong quý II. Theo xu hướng này, mảng Lưu trú, ăn uống cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của nước ta đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Về thương mại dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 22,3%. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 là 8 tỷ USD.
Đứng trước khả năng suy thoái gia tăng tại Mỹ, BSC chia tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam làm 2 kịch bản. Ở kịch bản tiêu cực, nếu suy thoái diễn ra ngay trong năm 2022, xuất khẩu năm nay dự báo tăng 13,1% và nhập khẩu tăng 12,6%. Ở kịch bản tích cực, nếu suy thoái diễn ra muộn hơn vào năm 2023, xuất khẩu năm nay có thể đạt mức tăng 18% và nhập khẩu tăng 17,3%.
Cuối cùng, về đầu tư, lũy kế 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn NSNN ước đạt 192.235 tỷ đồng, bằng 35,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 6 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi vốn FDI đăng ký cấp mới giảm mạnh 48,2% và vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 65,6%. Dù vậy, nhóm nghiên cứu nhận định tốc độ tăng trưởng của FDI đăng ký tăng thêm đã giảm đáng kể trong 2 tháng trở lại đây do nền kinh tế vĩ mô toàn đầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái và lạm phát tăng cao.
Nhận định cho cả năm 2022, nhóm nghiên cứu dự báo trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có khả năng đạt 6,8%.
Một vài yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo là sự mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tiềm năng từ các hiệp định thương mại cũng như sự hồi phục của tiêu dùng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên đứng trước nguy cơ nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, những yếu tố trên có thể sẽ bị hạn chế, BSC đánh giá.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu nâng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 lên 3,8% trong kịch bản tích cực và 5,5% trong kịch bản tiêu cực trong bối cảnh giá dầu duy trì đà tăng cao. Các giả định chính được BSC đưa ra như sau: Giá dầu Brent trung bình dao động quanh ngưỡng 100-120 USD/thùng; giá lợn giao dịch trong vùng từ 60.000 – 80.000 VND/ kg; giá dịch vụ y tế, giá điện tăng trở lại trong kịch bản tiêu cực và đi ngang trong kịch bản tích cực.