Dự kiến ban hành chỉ thị tiết kiệm điện vào tháng 3
Giai đoạn 2006 -2015, Chính phủ đã đề ra Chương trình Mục tiêu Quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện Chương trình này, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã rất tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì, thường trực Ban chỉ đạo đã triển khai tích cực, đạt kết quả cao. Cụ thể, Chương trình đã giảm lần lượt 3,4 và 5,65% tổng năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng: Tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành còn cao đặc biệt là ngành công nghiệp cao hơn 1,3-1,6 lần các quốc gia trong khu vực. Giai đoạn 2016-2019, Chương trình gián đoạn dẫn đến các bộ, ngành địa phương không còn nguồn lực, giảm sự quan tâm đến TKNL.
Cùng với đó, tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả còn tồn tại ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhận thức của cộng động còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, chủ hộ chưa ưu tiên thực hiện các biện pháp TKNL. Việc tiếp cận các khoản vay tín dụng thực hiện dự án TKNL cho các doanh nghiệp còn khó khăn. Đồng thời, trách nhiệm quản lý nhà nước còn hạn chế, kinh phí dành cho hoạt động trong phạm vi chương trình chưa khuyến khích được sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trời gian qua, kế hoạch triển khai Chương trình năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, đại diện Bộ Công Thương, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững thông báo: Bộ Công Thương đã hoàn thiện Khung kế hoạch 5 năm bám sát 9 hợp phần của Chương trình với đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể.
Các hoạt động sẽ tập trung vào: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý; Hỗ trợ kỹ thuật tài chính thúc đẩy TKNL; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; Tăng cường năng lực; Đẩy mạnh truyền thông, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ đề xuất thành lập Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để triển khai Chương trình, Bộ Công Thương đã soạn thảo trình Chính phủ Quy chế Hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình và Quy chế xây dựng, tuyển chọn đơn vị thực hiện Chương trình.
Nhằm hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 21/NĐ-CP quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình; Triển khai xây dựng thí điểm Quỹ Tiết kiệm năng lượng nhằm tạo thị trường vốn cho các hoạt động TKNL.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan hoàn thiện thẩm định, ký kết Hiệp định tài trợ đối với Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU giai đoạn 2021-2025 do Liên minh châu Âu tài trợ. Đây là nguồn ngân sách quan trọng góp phần thực hiện Chương trình trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo chỉ thị tiết kiệm điện 2020-2025 và trình Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến của bộ ngành có liên quan đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện và sớm ban hành vào tháng 3 năm 2020.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chương trình Quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gia đoạn 2019- 2030 ban hành thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng và tổ chức thực hiện công tác TKNL. Giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ ngành, địa phương nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình giai đoạn 2019 -2030.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với trách nhiệm là cơ quan chủ trì đồng thời là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động hoàn thiện Khung kế hoạch, Hệ thống pháp lý, phối hợp với các bộ ngành, địa phương từng bước đẩy mạnh TKNL trong các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững.