Phục hồi ngành du lịch sau dịch: Cần quan tâm tới vấn đề nhân lực

17:33 | 09/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã đem lại những hệ lụy vô cùng xấu đối với ngành du lịch. Đặc biệt là nguồn nhân lực của ngành đang bị "chảy máu" trầm trọng. Để đội ngũ này có thể lao động trở lại sau khi kết thúc dịch rất cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ.

Làn sóng thất nghiệp ngành du lịch tăng cao 

Đại dịch COVID-19 bùng phát thành nhiều đợt đã khiến 95% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, 20-30% DN đối mặt với phá sản. 

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận  12,600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương trên 12.100 người.

Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh

Tại Đà Nẵng nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào tình thế khó khăn với 90% đơn vị đóng cửa bởi đại dịch. Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, có đến 1/10 doanh nghiệp là hội viên (tương ứng 1.000 doanh nghiệp) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đang tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để có thể tồn tại và giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt. Tuy vậy, các DN cũng không thể cầm cự được lâu, cạn vốn và không thể vay thêm ngân hàng. 

Trong khi đó, tại Tp.HCM nhiều dữ liệu cho thấy 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường trong nước đã tạm ngưng hoạt động. Tổng kết cả năm 2020 và hết quý 2 năm 2021 chứng kiến 170 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân hiện sắp xếp nhân sự trực tại công ty, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc buộc tìm hướng kinh doanh khác.

Trên bình diện cả nước, hàng loạt các khách sạn trên toàn quốc đóng cửa vì không có khách, nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch chịu rất nhiều khó khăn. Nhiều người đã thất nghiệp, buộc bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chật vật chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Nỗi lo lắng chung về khủng hoảng nhân lực của toàn ngành đang hiển hiện trước mắt. Khi nhiều nhân lực rời bỏ ngành hay buộc phải chuyển ngang tìm được công việc tốt hơn thì hệ quả tất yếu sau dịch các DN sẽ không có người làm. 

Cần mở cánh cửa giúp hướng dẫn viên du lịch trong đại dịch 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua công việc hằng ngày. Lực lượng lao động cũ vẫn hiệu quả hơn lực lượng lao động mới. Nếu không giữ chân nguồn lao động cũ, doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều chi phí cho đào tạo, điều này là không khả thi bởi doanh nghiệp giờ đã cạn nguồn lực. 

Do đó, nhằm chia sẻ, hỗ trợ phần nào cho nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là các hướng dẫn viên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho người lao động là các hướng dẫn viên du lịch chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó sẽ chi hỗ trợ 3.710.000 đồng/người cho những ai bị mất việc bởi đại dịch. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cụ thể có đối tượng nhóm ngành du lịch, hướng dẫn viên. 

Tổng cục Du lịch cũng có công văn hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn; mở chuyên mục “Chính sách hỗ trợ” trên cổng thông tin điện tử (https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/cat/3304) để cập nhật chính sách và kết quả triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch của các địa phương. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã và đang triển khai dần. 

Đáng chú ý, các đợt hỗ trợ lần này đã giảm tối đa thủ tục, đơn giản hóa quy trình nhận hồ sơ, xét duyệt. Bên cạnh đó, theo Quyết định 23, khoảng thời gian nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đã kéo dài 6 tháng (từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 31/1/2022), để hướng dẫn viên du lịch hoàn thiện hồ sơ, nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

 

Ngành du lịch xây dựng kịch bản hậu COVID

Nghị quyết 84, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về du lịch được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia... Đặc biệt, NQ đặt vấn phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch (trước mắt tập trung thu hút khách du lịch từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh)...

Nhiều chuyên gia tin tưởng ngành du lịch sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên việc cần thiết trước mắt phải tiêm vaccine phòng bệnh cho những người làm trong ngành du lịch.

Hiện một số địa phương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng như: Quảng Ninh, đến nay tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đợt V được tỉnh phân bổ tiêm cho lao động ngành du lịch là 6.853 liều, trong đó đã sử dụng 6.758 liều. Số lao động ngành du lịch toàn tỉnh đã được tiêm là 7.043 trong tổng số 8.338 người đăng ký (đạt 76%)...

Một vấn đề nữa đang được đặt ra là các DN trong ngành  cần tạo ra những sản phẩm độc đáo, không đi theo lối mòn. Đặc biệt, thay vì như trước đây chỉ cạnh tranh về giá thì ngay bây giờ ngành du lịch phải thay đổi nhanh chóng và tập trung sâu sắc hơn về “chất” của sản phẩm...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 với loạt các giải pháp căn bản để khắc phục những yếu điểm của ngành sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Ngành cũng phải thay đổi trong cách tư duy và tiếp cận. Các cơ quan quản lý đang tính toán để cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để đi bằng hai chân, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình; không lựa chọn tỷ lệ lượt khách đến mà tính toán khả năng chi tiêu của khách khi đến, đóng góp cho phát triển kinh tế...