Đức có thể triển khai gói chống lạm phát trị giá hàng tỷ USD
Tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết triển khai nhiều biện pháp hơn để giúp bù đắp chi phí lương thực và năng lượng tăng cao mà không ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% GDP.
Trả lời phỏng vấn của tờ Rheinische Post, khi được hỏi về giá trị gói cứu trợ chống lạm phát trong điều kiện vẫn đảm bảo giới hạn thâm hụt ngân sách, ông Lindner tiết lộ mức “hai chữ số” tỷ USD là hoàn toàn khả dĩ. Theo ông Lindner, gói cứu trợ sẽ bao gồm các biện pháp dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như "viện trợ kinh tế có trọng điểm” cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng.
Lạm phát ở Đức đã lên tới 7,5% vào tháng 7, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng khi đến mùa Đông. Đức đã nhiều lần cam kết sẽ khôi phục “phanh nợ” (một điều khoản khẩn cấp được ghi trong hiến pháp) vào năm 2023, sau 3 năm tạm đình chỉ do đại dịch COVID-19.
Trong các cuộc đàm phán liên minh vào năm ngoái với đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) của ông Lindner thể hiện rõ ý định đưa Đức trở lại với chính sách kỷ luật tài khóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng trầm trọng của Đức, một số thành viên của đảng Xanh và SPD đã kêu gọi kéo dài việc đình chỉ kỷ luật tài khóa. Đầu năm nay, chính phủ đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 30 tỷ euro (30,2 tỷ USD) để giúp người tiêu dùng ứng phó với lạm phát, bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu và phát hành vé giao thông công cộng giá rẻ dùng từ tháng Sáu đến tháng Tám.