Eo hẹp quỹ đất, nhiều thành phố chuyển dịch xu hướng xây dựng dưới lòng đất

16:16 | 28/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tình trạng đất chật người đông, nhiều thành phố lớn trên thế giới đang có xu hướng chuyển sang xây nhà dưới lòng đất cũng như tuyến đường giao thông công cộng, trung tâm thương mại nhằm giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng bùng nổ dân số, quỹ đất eo hẹp, không còn nhiều diện tích để xây dựng nhà ở, đô thị. Do đó, một số nước đã quyết định thử nghiệm một phương thức có phần táo bạo, đó là xây nhà dưới lòng đất như một cách tận dụng quỹ đất.
 
Xu hướng xây dựng dưới lòng đất trong tương lai
 
Trước đó vào năm 2019, Singapore đã công bố kế hoạch quy hoạch tổng thể đất ngầm, để phát triển và khai thác không gian dưới lòng đất. Quốc gia này dự định sẽ sử dụng diện tích lòng đất làm giao thông, nhà máy, công sở, kho chứa,... và giải phóng mặt đất để phát triển nhà ở, công trình công cộng, không gian xanh khi mật độ dân số nước này ngày càng tăng theo từng năm.
 
Trả lời PV với Reuters, ông Ler Seng Ann, Cơ quan Tái phát triển đô thị Singapore (URA) cho hay: "Xây dựng dưới lòng đất mang lại nhiều lợi ích hơn như tiết kiệm đất, cải thiện chất lượng môi trường. Mạng lưới tàu điện ngầm, đường cao tốc ngầm của chúng tôi là một số minh chứng cho thấy lợi ích từ việc tận dụng không gian trong lòng đất lớn hơn những thách thức về kỹ thuật và chi phí". Các nhà quy hoạch cũng đang cố gắng nghiên cứu và phát triển công tình ngầm bằng công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế các cảm giác bức bối, khó chịu khi người dân phải làm việc, sinh hoạt trong lòng đất.
 
Xu hướng xây dựng dưới lòng đất trong tương lai
 
Trước đó, các chủ dự án tại Phần Lan cũng đã tung ra mô hình bể bơi ngầm tại thủ đô Helsinki và nhanh chóng nhận được sự khen ngợi của các tạp chí bất động sản, kiến trúc quốc tế cũng như sự ủng hộ của người dân. Sau đó, các nhà quy hoạch tại thủ đô này tiếp tục nghiên cứu và cho ra kế hoạch xây dựng lòng đất với tổng thể tích lên tới 9 triệu m3. Dự kiến, quần thể dưới lòng đất này sẽ bao gồm vô số cửa hàng, trung tâm thương mại, ga tàu, một đường chạy bộ, sân khúc côn cầu và thậm chí là một trung tâm triển lãm có diện tích 2.200 m2. Từ nhiều năm nay, Phần Lan đã có nhiều ý tưởng và kế hoạch tận dụng các công trình hạ tầng cho gia thông và nhận ra rằng không gian ngầm dưới lòng đất rất thích hợp để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
 
Xu hướng xây dựng dưới lòng đất trong tương lai
 

Bên cạnh đó, tại các quốc gia phát triển như New York (Mỹ), Paris (Pháp), hay Tokyo (Nhật Bản), ở những khu đô thị đông đúc dân cư, chính quyền các thành phố này đã có nhiều kế hoạch đào sâu vào lòng đất và tận dụng khoảng không này để xây dựng các tiện ích phục vụ đời sống con người như ga tàu điện ngầm, trung tâm thương mại ngầm nhằm giải quyết vấn đề "đất chật người đông" trong tương lai. 
 
Xu hướng xây dựng dưới lòng đất trong tương lai
 
Chuyên gia quy hoạch - kiến trúc sư (KTS) Trần Tuấn cho hay: "Tại các đô thị lớn, người ta tận dụng không gian ngầm như trên mặt đất, phục vụ không chỉ cho mục đích giao thông mà có thể kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, hầm trú ẩn khi xảy ra thiên tai, chiến tranh... Phần ngầm của các tòa nhà đều được quy hoạch để kết nối, liên thông với nhau như một đô thị ngầm trong lòng đất và giao thông lên xuống được bố trí phù hợp, quy hoạch hiệu quả nhằm giảm tải áp lực cho khu trung tâm. Tại Singapore, nhiều lúc trên mặt đất thưa thớt người, phương tiện qua lại, nhưng khi chui xuống đất thì rất sầm uất, náo nhiệt"...
 
Xu hướng xây dựng dưới lòng đất trong tương lai
 
Trong khi đó, tại Việt Nam, ở những đô thị lớn nhà Hà Nội, TP.HCM, việc đầu tư phát triển các không gian ngầm vẫn đang bị bỏ quên, chưa được khai thác hay quản lý tập trung. KTS Trần Tuấn cũng nhận định, việc quy hoạch và quản lý không gian dưới lòng đất cần nhanh chóng được thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ dân số như hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông mặt đất không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hơn nữa, đây cũng là sự đầu tư, phát triển phù hợp với xu hướng bất động sản ở nhiều nơi trên thế giới.
 
 
 
Linh Chi (t/h)