EU bắt đầu soạn thảo lệnh cấm vận dầu Nga

Đông Bắc 11:39 | 16/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo tờ New York Times, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu soạn thảo đề xuất cấm dầu của Nga.

EU lên kế hoạch cấm vận dầu Nga nhưng còn nhiều thách thức

Theo đó, lệnh cấm vận này có thể sẽ được áp dụng một cách từ từ, tương tự như lệnh cấm vận than của Nga trước đó đã được lên kế hoạch bắt đầu thực hiện từ tháng 8, để các nhà nhập khẩu có thời gian tìm nhà cung cấp thay thế.

Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã tham gia chiến dịch gây sức ép, kêu gọi một lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu, than, khí đốt và năng lượng hạt nhân của Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo các nguồn tin của New York Times, lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ được thảo luận sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2.

Các quan chức chính phủ Ukraine đã nhiều lần kêu gọi EU thực hiện cấm vận hoàn toàn với các mặt hàng năng lượng của Nga. Tuy nhiên, một số thành viên EU, đặc biệt là Hungary, đã gay gắt phản đối lệnh cấm vận như vậy. Hungary cho rằng nền kinh tế có nguy cơ chịu hậu quả tàn khốc do tác động của lệnh cấm dầu Nga.

Đức, một thành viên khác của EU cũng từ chối lệnh cấm vận dầu của Nga vào lúc này. Đức đồng thời phản đối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble cho các đơn hàng năng lượng của Nga mà Tổng thống Nga Putin yêu cầu với những "quốc gia không thân thiện".

Không thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung

Tại cuộc hội đàm với EU tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo đã khẳng định không thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung một khi dầu của Nga bị cấm vận.

"Nguồn cung hơn 7 triệu thùng dầu và các nhiên liệu khác từ Nga có thể bị mất đi mỗi ngày do các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai hoặc các hành động tự nguyện khác (của các nhà nhập khẩu trong việc hạn chế nhập khẩu từ Nga)", Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết hôm 11/4.

Theo OPEC, các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai đối với Nga có thể tạo ra một trong những cú sốc cung dầu mỏ tồi tệ nhất. Ông Barkindo cảnh báo thêm rằng dựa trên xem xét triển vọng nhu cầu hiện tại, EU sẽ không thể tìm nguồn cung thay thế được khối lượng nguồn cung lớn như vậy nếu khối này cấm dầu của Nga.

 

Nền kinh tế Đức suy thoái sâu nếu Nga khóa van khí đốt

Theo báo cáo đánh giá của 5 viện nghiên cứu kinh tế, nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, GDP của Đức có khả năng chỉ tăng 1,9% trong năm nay và 2,2% năm 2023. Ông Stefan Kooths, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Kiel nhận định nếu Nga đột ngột dừng cấp khí đốt, kinh tế Đức có thể suy thoái sâu. Ngược lại, nếu nguồn cung khí đốt được duy trì, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro có thể đạt 2,7% trong năm nay. 

Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt của Nga. Cụ thể, 46% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của nước Đức phụ thuộc vào Nga. Nếu nguồn cung khí đốt bị gián đoạn, kinh tế của Đức không tránh khỏi xáo trộn.

Tháng trước, lạm phát ở Đức đã lên mức cao nhất hơn 40 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do giá dầu thô và khí đốt tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chuyên gia dự báo nếu nguồn cung khí đốt Nga gián đoạn, lạm phát của Đức gần như chắc chắn sẽ lập đỉnh mới.