EU chạy đua tìm đối sách khi Nga ngừng đường ống Nord Stream 1
Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh 35% trong khi thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ và đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong 20 năm tại phiên 5/9 sau khi công ty dầu khí Nga Gazprom tuyên bố đường ống Nord Stream 1 ngừng hoạt động, nguy cơ gây ra một cú sốc khác lên các nền kinh tế trong khu vực vẫn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch.
Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nga đổ lỗi cho rằng các lệnh trừng phạt đó đã gây ra các vấn đề về lỗi đường ống, trực tiếp dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung khí đốt.
Nhiều nhà phân phối điện ở châu Âu lao đao, một số máy phát điện lớn hơn có thể gặp rủi ro do bị ảnh hưởng bởi mức giới hạn tăng giá. Các nhà phân phối chuyển chi phí cho người tiêu dùng khi giá khí đốt hiện đã hơn 400% so với một năm trước.
Trước tình thế này, Phần Lan đặt mục tiêu chi 10 tỷ euro (10 tỷ USD) và Thụy Điển chi 250 tỷ crowns (23 tỷ USD) đảm bảo thanh khoản cho các công ty điện của họ.Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết: “Chương trình của chính phủ là lựa chọn tài chính cuối cùng cho các công ty có nguy cơ bị đe dọa mất khả năng thanh toán”.
Nord Stream 1, đường ống dẫn khí chạy dưới Biển Baltic nối sang Đức, trong lịch sử đã cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu, mặc dù nó đã hoạt động ở mức chỉ 20% công suất trước khi ngừng bảo dưỡng vào tuần trước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Các vấn đề về nguồn cung cấp khí đốt đã nảy sinh do các lệnh trừng phạt đối với đất nước chúng tôi của các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Đức và Anh”.
Thêm vào bế tắc, ông cũng cho biết Nga sẽ trả đũa nếu các nước G7 áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga. Mặc dù Nga cũng cung khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống xuyên Ukraine, nhưng nguồn cung này cũng đã bị cắt giảm trong cuộc khủng hoảng, khiến EU phải chạy đua tìm nguồn cung cấp thay thế để nạp lại các cơ sở lưu trữ khí đốt cho mùa đông.
Đức, phụ thuộc hơn hầu hết các nước EU vào khí đốt của Nga, đã tung gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro cho Uniper. Berlin cũng cho biết họ sẽ chi ít nhất 65 tỷ euro để bảo vệ khách hàng và doanh nghiệp khỏi lạm phát tăng vọt do giá năng lượng cao.
Hôm 5/9, Berlin cho biết họ có kế hoạch giữ hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại ở chế độ chờ, sau thời hạn cuối năm để loại bỏ nhiên liệu hoàn toàn, nhằm đảm bảo có đủ điện cho mùa đông.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trong một tuyên bố hôm 5/9 rằng động thái này không có nghĩa là Berlin đang từ bỏ lời hứa từ lâu về việc loại bỏ năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng trong trường hợp thiếu hụt năng lượng do xung đột Ukraine, Berlin và Paris sẽ hỗ trợ lẫn nhau. "Đức cần khí đốt của chúng tôi và chúng tôi cần sức mạnh từ phần còn lại của châu Âu, đặc biệt là Đức", ông Macron nói trong một cuộc họp báo.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal kêu gọi EU hỗ trợ cung cấp khí đốt để giảm sự phụ thuộc của khối vào Nga, quốc gia đã cung cấp khoảng 155 bcm khí đốt cho châu Âu vào năm ngoái.
Một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu, chẳng hạn như phân bón và xuất nhôm, các nhà sản xuất đã thu hẹp quy mô. Các ngành công nghiệp khác đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip, hóa đơn nhiên liệu tăng cao.
Một số quốc gia EU đã kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp có thể dẫn đến việc phân bổ năng lượng, trầm trọng thêm lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao và lãi suất gia tăng.
Giám đốc điều hành Uniper Klaus-Dieter Maubach nói với Reuters bên lề hội nghị Gastech ở Milan: “Chúng tôi không thể loại trừ rằng Đức có thể xem xét khẩu phần khí đốt.”
Đức, quốc gia đang lắp đặt các thiết bị đầu cuối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để có thể vận chuyển nhiên liệu và mở rộng phạm vi các nhà cung cấp toàn cầu. Các cơ sở dự trữ đang ở giai đoạn hai của kế hoạch lấp đầy khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn.
Thị trường toàn cầu LNG vốn đã chật hẹp do nền kinh tế thế giới thu hút nguồn cung trong quá trình phục hồi sau đại dịch, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tăng thêm nhu cầu.
Na Uy, một nhà sản xuất lớn của châu Âu, đã và đang bơm thêm khí đốt vào các thị trường châu Âu nhưng không thể lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại.
Các bộ trưởng năng lượng của các nước EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 để thảo luận về các phương án kiềm chế giá năng lượng tăng vọt, bao gồm giới hạn giá khí đốt và hạn mức tín dụng khẩn cấp cho những người tham gia thị trường năng lượng, một tài liệu được Reuters cho biết.
Klaus Mueller, chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng của Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức, cho biết vào tháng 8 rằng ngay cả khi các cửa hàng khí đốt của họ đã đầy 100%, lượng dự trữ này sẽ sớm cạn kiệt trong từ nửa tháng đến 2 tháng nếu dòng khí đốt của Nga bị ngừng hoàn toàn.
Các cơ sở lưu trữ của Đức hiện đã đầy khoảng 85%, trong khi các cơ sở trên khắp châu Âu đã đạt mục tiêu lưu trữ 80% vào tuần trước.