Fed sẽ thay đổi cách thức đối phó với lạm phát?

Diệu Linh 10:31 | 30/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nổ ra xung quanh việc liệu lạm phát sẽ giảm bớt khi thế giới trở lại trạng thái bình thường, hay bắt đầu một chu kỳ mới hoàn toàn theo một cách riêng.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, hai nhà báo của hãng Bloomberg là Olivia Rockeman và Matthew Boesler nhận định Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu theo truyền thống luôn giữ quan điểm “cứng rắn” về lạm phát. 

Trong bối cảnh giá cả bắt đầu tăng và tình hình đại dịch đã phần nào lắng dịu vào đầu năm 2021, Fed và các nhà đầu tư vẫn chưa có bất kỳ “động tĩnh” nào, vì cho rằng sự gia tăng này là do các yếu tố “nhất thời”.

Trong khi đó, nhiều tổ chức tài chính và các nhà đầu tư khác trên thế giới đã tỏ ra lo lắng, một số ngân hàng trung ương thậm chí lựa chọn hành động sớm. Đến cuối năm nay, khi giá cả đã tăng vượt lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990, Fed mới đưa ra một số cảnh báo và gợi ý về việc sẵn sàng thay đổi hướng đi.

Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nổ ra xung quanh việc liệu lạm phát sẽ giảm bớt khi thế giới trở lại trạng thái bình thường, hay bắt đầu một chu kỳ mới hoàn toàn theo một cách riêng.

Diễn biến của lạm phát

Vào đầu năm 2020, sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất của thiên niên kỷ. Một năm sau đó, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 nhanh chóng được phủ rộng, cùng với những gói kích thích tài chính "hào phóng" trị giá hàng nghìn tỷ USD của các chính phủ, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng tiêu dùng ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Ví dụ, hoạt động sản xuất chất bán dẫn đã sụt giảm nghiêm trọng trong khoảng thời gian bị phong tỏa của năm 2020 và sau đó không tăng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu về ô tô, các loại hàng hóa điện tử khi nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi.

Điều này khiến giá cả của các loại sản phẩm công nghệ cao tăng vọt, tương tự giá vé máy bay và khách sạn cũng đã gia tăng nhanh chóng.
Hầu hết các công ty đều lâm vào tình trạng thiếu nhân lực khi mở cửa trở lại, dẫn đến nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng lương và trợ cấp để thu hút người lao động và kết quả là tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng.

Ý kiến trái chiều về lạm phát

Liệu các yếu tố đẩy giá trong năm 2021 còn tồn tại và có khả năng làm tăng giá nhiều hơn nữa, hay chỉ là yếu tố tạm thời cho tới khi các hạn chế của chuỗi cung ứng được giải quyết, người lao động gia nhập trở lại thị trường và các nhu cầu đi lại quay về mức bình thường?

Trong nửa đầu năm 2021, áp lực về giá tập trung vào các danh mục hàng hóa đang tăng trở lại sau nhiều tháng ngừng hoạt động vì bị phong tỏa. Ví dụ giá gỗ xẻ tăng đột biến khi nhu cầu xây dựng nhà mới quay trở lại, nhưng sau đó lại giảm xuống.

Trong nửa cuối năm 2021, lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến giá thực phẩm và tiền thuê mướn, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy giá điện trên khắp thế giới tăng cao. Một số người lo ngại rằng lạm phát không phải là một đốm lửa nhỏ sớm tự tắt mà chúng sẽ duy trì đủ lớn, để có khả năng tự tồn tại trong một thời gian kéo dài.

Điều này đã từng xảy ra ở Mỹ và một số quốc gia khác vào những năm 1970, khi Fed cho rằng lạm phát tăng cao đơn giản chỉ là vòng xoáy giá cả tiền lương.

Fed báo hiệu thay đổi hướng đi

Sau khi giá cả tăng nhanh, những lời kêu gọi Fed rằng cần sớm thay đổi hướng đi ngày càng nhiều hơn và các phát ngôn của thể chế này cũng dần chuyển sang một ngôn ngữ thận trọng hơn. Vào cuối tháng 11/2021, Chủ tịch Fed ông Jerome Powell cho biết, ông đã từ bỏ quan điểm lạm phát tăng là tạm thời. Ông nói rằng đã đến lúc rút lại các tuyên bố này.

Ông Powell gợi ý rằng Fed có thể đẩy nhanh việc giảm bớt sự hỗ trợ của cơ quan này đối với kinh tế Mỹ trong suốt thời gian qua, thông qua việc mua vào một lượng trái phiếu lớn, một hành động có thể là “khúc dạo đầu” cho việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cũng khẳng định điều này không có nghĩa là Fed xác nhận lạm phát sẽ “cố thủ” trong một thời gian dài.

Ông nói tình trạng khan hiếm hàng hóa và lao động mất nhiều thời gian để giải quyết hơn so với dự kiến, nhưng kết quả là giá cả tăng vọt “sẽ không để lại bất kỳ dấu ấn vĩnh viễn nào dưới hình thức lạm phát cao hơn”.

Phản ứng của thế giới

Trong vòng 9 tháng của năm 2021, các ngân hàng trung ương của Brazil, New Zealand, Na Uy, Mexico và Hàn Quốc đã lần lượt tăng lãi suất cơ bản, trong khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đã báo hiệu sẽ sớm tăng lãi suất. Nhưng tại châu Âu (EU), bất chấp lạm phát tăng cao nhất trong vòng 13 năm gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ tìm cách giảm bớt nhưng không chấm dứt hoàn toàn, chương trình mua trái phiếu và chưa thay đổi lãi suất cơ bản.

Khái niệm tỷ lệ hòa vốn - phần lợi nhuận mà các nhà đầu tư yêu cầu thêm vào để bù đắp lạm phát kỳ vọng - đã tăng vào cuối năm nay, lên mức bằng hoặc gần với mức cao kỷ lục từ cuối những năm 1990. Điều đó cung cấp cơ sở cho những người tin rằng tỷ lệ lạm phát cao sẽ còn tiếp tục dai dẳng.

Tuy nhiên, những người ít lo lắng hơn về tình trạng lạm phát cao lại lý giải rằng thực tế là tỷ lệ hòa vốn 10 năm hiện thấp hơn lãi suất 5 năm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư vẫn có thể tin tưởng lạm phát sẽ giảm trong dài hạn, sau một đợt áp lực về giá.

Hướng đi của Fed trong năm 2022

Nếu lạm phát vẫn tiếp diễn, nghĩa là việc tăng giá vượt kỳ vọng tiếp tục kéo dài đến năm 2022 và hơn thế nữa, các quan chức Fed có thể sẽ phải đẩy nhanh tốc độ giảm dần chương trình mua vào trái phiếu và đánh giá lại quan điểm của họ về việc có nên sớm tăng lãi suất hay không.

Việc để lạm phát tăng quá cao có khả năng gây tổn hại nhiều hơn cho nền kinh tế, do đó cần một số biện pháp để kiềm hãm đà tăng của lạm phát. Tuy nhiên, cũng có khả năng một đợt bùng phát dịch bệnh khác sẽ tạo ra rủi ro cho cả nhu cầu của người tiêu dùng và hoạt động tuyển dụng.
Đó sẽ là một vấn đề lớn, vì Fed có nhiệm vụ tối đa hóa việc làm và đến nay hàng triệu người dân Mỹ vẫn chưa thể tham gia trở lại thị trường lao động.