Giá đất nền quận nào ở Hà Nội tăng mạnh nhất trong 5 năm qua?
Giá đất nền biến động ra sao trong 5 năm qua?
Theo số liệu thống kê từ Batdongsan.com.vn, giá đất nền tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua là quận Cầu Giấy (Quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ chưa thống kê - PV).
Là quận trung tâm sầm uất, vị trí kết nối thuận tiện, hạ tầng tiện ích dịch vụ hoàn chỉnh nên thị trường bất động sản cho thuê quận Cầu Giấy hình thành sớm và sôi động ở hầu hết các loại hình. Từ năm 2018 đến hết năm 2022, giá đất từ mốc trung bình 118 triệu/m2 lên 170 triệu/m2, tăng trung bình 8,8%/năm.
Trong khi đó, quận Thanh Xuân cũng chứng kiến những đợt tăng phi mã với các phân khúc bất động sản trong vòng 5 năm qua. Thanh Xuân là quận trung tâm hiếm hoi có tốc độ phát triển nóng về quy hoạch, hạ tầng và bất động sản kéo dài hàng chục năm qua do định hướng phát triển về phía Tây của Hà Nội. Trong 3 quận khu Tây, gồm Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông, Thanh Xuân hiện có mặt bằng giá cao nhất.
Từ dữ liệu của Batdongsan.com.vn, có thể thấy trong 5 năm qua, giá đất tăng cao. Giá đất từ 83 triệu/m2 lên 127 triệu/m2, tăng trung bình 10,6%/năm.
Bên cạnh Thanh Xuân, Hà Đông được đánh giá là quận nội thành có biên độ tăng giá bất động sản cao bậc nhất Hà Nội hiện nay, trung bình khoảng 15,66%/năm, gấp đôi mức trung bình của các quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa…
Trong 5 năm qua, giá bất động sản quận Hà Đông tăng trung bình khoảng 15,66%/năm, đây là mức tăng giá khá cao so với mặt bằng chung Hà Nội, cao hơn nhiều quận nội thành: Long Biên 15,4%/năm; Thanh Xuân 11,2%/năm; Nam Từ Liêm 10,94%/năm; Cầu Giấy (7,7%/năm)…
Trong đó, đất nền, thổ cư là loại hình bất động sản có biến động giá tăng mạnh nhất tại quận Hà Đông, đạt mức trung bình lên tới 25%/năm. Theo đó, so với năm 2018, mặt bằng giá đất năm 2022 tại địa bàn này đã tăng 2,25 lần, từ mốc trung bình 40 triệu/m2 lên 90 triệu/m2. Nguyên nhân là do 5 năm trước, mặt bằng giá đất tại quận Hà Đông vẫn khá mềm so với các quận cùng khu vực phía Tây, Tây Nam như Cầu Giấy (118 triệu/m2); Thanh Xuân (83 triệu/m2); Nam Từ Liêm (44 triệu/m2).
Thực tế, mặt bằng giá đất quận Hà Đông hiện nay cũng vẫn mềm so với tiềm năng, và mức giá cao chỉ tập trung cục bộ ở khu trung tâm, những tuyến đường lớn như Phùng Hưng, Trần Phú, Quang Trung, Chiến Thắng, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Khuyến… còn xuôi về mạn gần Thanh Trì, ngoại thành vẫn còn quỹ đất giá mềm khu vực Yên Nghĩa, Biên Giang, Đồng Mai… với nhiều lô đất có giá chỉ từ 20-40 triệu/m2...
Trong khi đó, Nam Từ Liêm vừa trải qua giai đoạn phát triển nóng từ khi thành lập quận (2013) nên cũng có nhiều sự xáo trộn về bất động sản. Trong 5 năm qua (2018-2022), giá bán ở tất cả các loại hình bất động sản tại Nam Từ Liêm đều diễn biến theo xu hướng tăng, trung bình khoảng 11%/năm. Trong đó, giá đất nền, thổ cư từ 44 triệu/m2 lên 79 triệu/m2, tăng trung bình 15,9%/năm.
Như vậy đất nền, đất thổ cư là loại hình có biến động giá tăng mạnh nhất tại Nam Từ Liêm, với biên độ trung bình là 15,9%/năm. Đây là mức tăng khá cao so với các quận lân cận như Thanh Xuân (10,6%/năm), Cầu Giấy (8,5%/năm)… do hai quận này đã trải qua giai đoạn nóng, mặt bằng giá đất đã ở mức cao. Cụ thể giá đất quận Thanh Xuân năm 2022 trung bình khoảng 127 triệu/m2, Cầu Giấy trung bình khoảng 170 triệu/m2.
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá đất tại Nam Từ Liêm tăng mạnh và ổn định trong 5 năm qua chủ yếu do tốc độ thay đổi nhanh chóng của hạ tầng, với nhiều khu vực được quy hoạch và đầu tư bài bản. Ngoài ra, nguồn cung ngày càng cạn kiệt, nhu cầu lớn và mặt bằng giá rẻ so với địa bàn lân cận cũng đẩy giá tăng mạnh.
Tại quận Hoàng Mai, nhà đất tại quận này vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh về nguồn cung và giá bán với nhu cầu lớn. Nếu 5 trở về trước, khi còn là điểm nóng về giao thông và hạ tầng quá tải, bất động sản quận Hoàng Mai kém sức hút thì khoảng 5 năm trở lại đây, Hoàng Mai đã rút ngắn khoảng cách với các quận khu Tây như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân. Giá đất tăng từ mốc trung bình 47 triệu/m2 lên 82 triệu/m2, tăng trung bình 14,89%/năm.
Đất nền, thổ cư là loại hình xếp thứ hai về mức độ biến động giá mạnh tại quận Hoàng Mai, với mức tăng trung bình trong 5 năm (2018-2022) là 14,89%/năm. Nếu so với các quận phía Tây, giá đất tại Hoàng Mai tương đương quận Nam Từ Liêm và Hà Đông, mặt bằng giá cũng không đồng đều. Cụ thể, khu vực giáp quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân có mặt bằng giá cao hơn hẳn so với khu vực giáp Thanh Trì và Long Biên. Theo đó, trong khi giá đất tại các phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Thanh Trì, Vĩnh Hưng trung bình từ 62-65 triệu/m2 thì tại các phường Hoàng Liệt, Đại Kim, Tương Mai… trung bình từ 105-115 triệu/m2.
Với quận Long Biên: Là quận kết nối vào nội đô thuận tiện giúp thị trường bất động sản của quận này ngày càng thu hút người mua ở và đầu tư. Giá nhà đất tại đây cũng biến động khá mạnh trong 5 năm qua, đặc biệt là loại hình biệt thự, đất thổ cư và chung cư.
Giá đất từ mốc trung bình 42 triệu/m2 lên 82 triệu/m2, tăng trung bình 19%/năm. Trong đó, loại hình đất thổ cư, đất nền có biên độ tăng giá mạnh thứ hai tại quận Long Biên với mức tăng trung bình 19%/năm, cao hơn cả quận Nam Từ Liêm (15%/năm). Giá đất trung bình tại Long Biên hiện khoảng 83 triệu/m2, cũng đã cao hơn mặt bằng giá của Nam Từ Liêm (79 triệu/m2). Trên Batdongsan.com.vn, thời điểm cuối tháng 3/2023, một số lô đất tại khu phố Lâm Hạ được đăng bán với giá 188-280 triệu/m2, đất tại khu Hồng Tiến hay khu TĐC Ngọc Thụy có giá từ 125-128 triệu/m2… Trong khi đó, những lô đất lẻ trong ngõ nhỏ các khu dân cư, diện tích khoảng 30-50m2 có giá dao động khoảng 40-70 triệu/m2.
Đất nền ven đô Hà Nội đang diễn biến ra sao?
Theo Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Batdongsan.com.vn vừa được công bố, giá nhà phố Hà Nội vẫn tiếp đà tăng trưởng. So với quý IV/2022, mức độ quan tâm nhà phố các quận trung tâm Hà Nội của người tìm kiếm bất động sản đều đồng loạt quay đầu giảm mạnh. Đơn cử, Đống Đa giảm 42%, Cầu Giấy giảm 28%, Ba Đình giảm 40%, Hai Bà Trưng giảm 26%, Hà Đông giảm 38%, Hoàn Kiếm giảm 30%, Thanh Xuân giảm 44%, Tây Hồ giảm 28%, Hoàng Mai giảm 38%, Long Biên giảm 17%, Nam Từ Liêm giảm 40%, Bắc Từ Liêm giảm 50%. Dù mức độ quan tâm sụt giảm mạnh ở tất cả các quận nội thành nhưng giá bán nhà phố thuộc các quận trên vẫn tăng 10% so với quý 3/2022.
Thực trạng tương tự cũng diễn ra với thị trường nhà phố cho thuê khi mức độ quan tâm giảm nhưng giá thuê đã vượt ngưỡng trước dịch và bắt đầu đi ngang. Quản lý kinh doanh cấp cao của Batdongsan.com.vn cho biết, tại quận Cầu Giấy, dù mức độ quan tâm với nhà phố cho thuê giảm tận 43% nhưng giá thuê vẫn tăng 7%. Tại quận Ba Đình, mức độ quan tâm giảm 64% nhưng giá thuê tăng 25%. Tại quận Đống Đa, mức độ quan tâm giảm 58%, giá thuê vẫn tăng 17%… Nhìn chung, giá thuê nhà phố Hà Nội đã tăng 12% so với quý 1/2019 – thời điểm đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện.
Theo Batdongsan.com.vn, trái ngược với nhà phố, ở phân khúc nhà riêng Hà Nội có mức độ quan tâm giảm ở nhiều khu vực và giá bán chỉ tăng nhẹ ở một vài quận. Mức độ quan tâm nhà riêng Cầu Giấy giảm 22% và giá bán tăng nhẹ 1%. Mức độ quan tâm nhà riêng ở quận Đống Đa giảm 26%, giá bán tăng nhẹ 3%. Con số này ở quận Thanh Xuân tương ứng lần lượt là 23% và 5%; Long Biên là 11% và 3%. Riêng các quận như Hà Đông, Tây Hồ, phân khúc nhà riêng không chỉ giảm về mức độ quan tâm mà còn giảm cả về giá bán. Tại Hà Đông, mức độ quan tâm nhà riêng giảm 16%, giá bán giảm 5%. Mức độ quan tâm nhà riêng Tây Hồ giảm 15%, giá bán giảm 2%.
Đối với đất nền - một phân khúc từng làm mưa làm gió thị trường bất động sản Hà Nội giai đoạn nóng sốt, hiện đang ghi nhận thực trạng vô cùng ảm đạm khi mức độ quan tâm sụt giảm. Thị trường không xuất hiện sốt đất trong quý đầu năm, dẫn theo giá bán giảm nhẹ ở nhiều quận, huyện.
Các điểm nóng đất nền ven đô Hà Nội một thời như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm… ghi nhận giá bán giảm từ 1-13% so với quý 4/2022, mức độ quan tâm giảm từ 4-24%. Trái ngược với đất nền ven đô Hà Nội sụt giảm cả thanh khoản và giá bán, đất nền tỉnh lại ghi nhận thực tế tăng giá nhẹ. So với quý 4/2022, đất nền Hưng Yên tăng giá 17%, đất nền Quảng Ninh tăng giá 15%, đất nền Hải Phòng tăng giá 4%.