Giảm 2% thuế VAT – trợ lực cho các doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng
Kể từ ngày 1/7, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ) chính thức có hiệu lực và sẽ kéo dài đến hết năm 2023.
Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đón nhận và đánh giá cao, bởi đây là cơ sở để doanh nghiệp giảm sâu giá bán, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét kéo dài việc giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024, thay vì chỉ áp dụng đến 31/12/2023.
Hàng ngàn mặt hàng sẽ được giảm mạnh giá bán
Theo thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị đã sẵn sàng chương trình giảm giá cho hàng nghìn sản phẩm cho toàn hệ thống bán lẻ với 800 điểm bán trên toàn quốc bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife ….. ngay sau khi việc giảm 2% thuế VAT có hiệu lực.
Trong đó, 5 ngành hàng gồm hóa phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc thời trang và đồ dùng gia đình có mức giảm giá trung bình từ 22 - 62%, gồm gộp mức giảm giá thông thường cộng thêm giảm 2% thuế VAT.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành Chuỗi Co.opmart, đây là kế hoạch thiết thực hưởng ứng chủ trương hỗ trợ phục hồi và phát triển nhanh chóng hoạt động kinh doanh sản xuất, động lực tăng trưởng của một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của Nhà nước và chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục hưởng ứng Tháng khuyến mãi kích cầu “Shopping Season” của thành phố.
“Nếu được triển khai chính thức thì đây là lần thứ hai thuế VAT được giảm 2% đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng. Điều này có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và giúp kích thích tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng”, đại diện Saigon Co.op chia sẻ.
Tại chuỗi bán lẻ Emart, đại diện Emart Việt Nam cũng cho biết, hệ thống này đã sẵn sàng áp dụng mức thuế VAT giảm 2%. Bên cạnh đó, để hưởng ứng chương trình khuyến mãi của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, Emart cũng có rất nhiều chương trình giảm giá tối đa đến 80%, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng nhu yếu phẩm gia đình để hỗ trợ người tiêu dùng như thực phẩm, thời trang, hàng gia dụng, công nghệ…
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, sau khi áp dụng giảm thuế, từ ngày 1/7, để kích cầu tiêu dùng một số siêu thị, trung tâm thương mại đều triển khai loạt chương trình khuyến mãi hàng nghìn sản phẩm nhằm hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm.
“Việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Chính sách giảm thuế VAT sẽ giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng, từ đó kích thích sức mua”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Theo Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, với chính sách giảm 2% thuế VAT áp dụng đối với một số dịch vụ hàng hóa, ước tính các doanh nghiệp trên địa bàn có thể được hỗ trợ lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đây sẽ là trợ lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua suy giảm, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền như hiện nay. Chính sách này tạo cơ sở cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ đẩy mạnh các chương trình giảm giá bán, qua đó kích cầu tiêu thụ thị trường nội địa.
Đề xuất kéo dài chính sách đến hết năm 2024
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, để kinh tế sớm phục hồi, một trong những giải pháp quan trọng là phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích cầu nội địa, thông qua 2 công cụ của Nhà nước và doanh nghiệp.
Về phía Nhà nước, chính sách giảm thuế VAT đóng vai trò rất quan trọng để kích cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, việc áp dụng giảm thuế VAT cần mở rộng ra nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ; đồng thời mức thuế giảm có thể thực hiện sâu hơn để hỗ trợ thị trường, thậm chí có thể giảm xuống 5-6%, chứ không chỉ xuống 8% như hiện nay.
Còn về phía doanh nghiệp, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó thế này, mà không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, dù là thuế gián thu, song việc giảm 2% thuế VAT sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp tạo ra hàng hóa dịch vụ có mức giá thấp hơn. Điều này góp phần giúp kích thích tiêu dùng, người sản xuất và cung ứng dịch vụ có cơ hội cung cấp sản phẩm dịch vụ nhiều hơn ra thị trường; song song đó giải quyết được vấn đề lao động cùng nhiều vấn đề xã hội khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như thị trường hiện nay, ông Hiến cho rằng, việc giảm thuế VAT cần kéo dài thêm đến hết năm 2024 để tạo thuận lợi cho toàn nền kinh tế nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng. Bởi, chi phí vận hành của doanh nghiệp đang cao hơn, do lạm phát còn cao ở các thị trường xuất khẩu và thiếu hụt nguồn nguyên liệu dẫn đến giá bán lẻ các sản phẩm cao hơn.
Thực tế, một khảo sát mới công bố của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Có tới 30-50% doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, tùy theo ngành nghề. Doanh thu của các ngành sản xuất chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh đều sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, ngành da giày, may mặc có doanh thu giảm 30-35%; ngành gỗ giảm 30%; cao su – nhựa giảm 20%. Riêng ngành thép có doanh số giảm tới 40-50%; 95% là doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và hàng tồn kho lớn.
Trong khi đó, sức mua thị trường nội địa giảm từ 10-20%; sức mua tại các chợ truyền thống giảm 30-50%. Tuy sức mua kênh online tăng mạnh, nhưng phần lớn là hàng Trung Quốc. Nguyên nhân của tình trạng trên là do tiêu dùng giảm, dù nhiều doanh nghiệp đã tăng khuyến mãi, hạ giá bán nhưng chưa hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA), trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các chính sách kích cầu tiêu dùng và cũng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để sớm phục hồi.
“Chính sách giảm thuế VAT đóng vai trò rất quan trọng trong việc kích cầu thị trường. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách chỉ áp dụng đối với một số dịch vụ hàng hóa, vẫn còn một số ngành đang gặp nhiều khó khăn và không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời gian áp dụng chính sách này quá ngắn, chỉ thực hiện trong 6 tháng, chưa đủ có hiệu quả và tác động sâu vào nền kinh tế.
Do đó, các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2024, thay vì chỉ đến cuối năm nay và mở rộng đối tượng áp dụng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, đại diện HUBA đề xuất.