Gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ khiến châu Âu thiệt hại 920 tỷ euro
Theo một báo cáo được công bố bởi Accenture (công ty tư vấn quản lý chiến lược uy tín của Ireland), gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine có thể dẫn đến thiệt hại lũy kế 920 tỷ euro (tương đương 7,7%) trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Báo cáo được Accenture công bố tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos dự báo ba kịch bản về căng thẳng địa chính trị có thể xảy ra, tác động của từng kịch bản đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu về chi phí và thời gian phục hồi.
Năm 2021, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 làm thiệt hại 112,7 tỷ euro trong GDP các nền kinh tế thuộc Eurozone. Trước khi xung đột nổ ra, tình trạng thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu, bất ổn logistic và áp lực lạm phát đã làm suy yếu sự phục hồi kinh tế ở châu Âu. Khi nhu cầu gia tăng trở lại trong lúc chuỗi cung ứng chưa thể đáp ứng càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm những bất ổn.Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, dự kiến sẽ giải quyết vào nửa cuối năm 2022, hiện được dự đoán sẽ kéo dài sang năm 2023. Một cuộc xung đột kéo dài có thểgây thiệt hại lên tới 318 tỷ euro vào năm 2022 và 602 tỷ euro vào năm 2023, trong khi lạm phát có thể đạt mức 7,8% vào năm 2022 trước khi giảm vào năm 2023.
Jean-Marc Ollagnier, Giám đốc điều hành của Accenture cho biết: “Mặc dù nhiều chuyên gia đồng ý rằng châu Âu sẽ tránh được suy thoái trong năm nay, nhưng sự kết hợp giữa Covid-19 và căng thẳng ở Ukraine có khả năng tác động đáng kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Âu. Trước khi xung đột xảy ra, chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ bình thường trở lại vào nửa sau năm 2022, nhưng giờ đây, chúng tôi không kỳ vọng điều này xảy ra trước năm 2023 thậm chí 2024 vì còn tùy thuộc vào diễn biến của căng thẳng địa chính trị”.
Giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng được cho là rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của châu Âu. Theo báo cáo, có tới 30% tổng giá trị gia tăng của Eurozone phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng xuyên biên giới đang hoạt động.