`Giao dịch không chạm` lên ngôi, nở rộ ứng dụng công nghệ bất động sản
Việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản đã đem lại nhiều lợi ích bất ngờ cho các doanh nghiệp, công ty bất động sản.
Kể từ cuối năm 2019, ngày càng nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào việc kinh doanh để có thể quản lý thông tin, giao dịch, thanh toán,... dễ dàng hơn. Ngay cả những thị trường bất động sản dù có ứng dụng chậm vài nhịp so với các lĩnh vực khác nhưng cũng đã manh nha đưa công nghệ và hoạt động kinh doanh.
Theo Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land), trong năm 2020, lượng khách truy cập vào ứng dụng bán hàng trực tuyến Cenhomes đã tăng 5 lần so với năm ngoái. Tập đoàn Sunshine cũng cho hay, lượng giao dịch bất động sản qua App Sunshine cũng tăng đột biến, gấp 4-5 lần so với thời điểm vừa ra mắt ứng dụng vào đầu năm 2020 năm nay.
Ngay cả Công ty CP Vinhomes (thuộc VinGroup) cũng tung ra sàn giao dịch trực tuyến bất động sản Vinhomes Online với đầy đủ các tiện ích không thua kém các sàn giao dịch thực thụ. Tính đến hết quý III/2020, ứng dụng này của Vinhomes đã thu hút khoảng 6.000 lượt khách/ ngày truy cập, bán tới gần 8.000 căn hộ. Vinhomes cũng tung ra ứng dụng Vinhomes Resident để hỗ trợ và quản lý hệ sinh thái Vingroup với khoảng 60.000 chủ sở hữu bất động sản tại Vinhomes tải app. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng đã tung ra các ứng dụng kinh doanh với nhiều tiện ích như LinkHouse App, Gamuda App,...
Theo các chuyên gia, một trong những lý do hàng đầu khiến việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản nở rộ thời gian gần đây là do đại dịch COVID-19. Đại dịch đã khiến phương thức "giao dịch không chạm" lên ngôi như một cách để ngăn ngừa sự lây lan của virus và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Nhờ các ứng dụng công nghệ, khách hàng có thể thoải mái tìm kiếm thông tin bất động sản, thanh toán dễ dàng qua ứng dụng online,... hơn trước.
Theo JLL, việc ứng dụng công nghệ trong thị trường bất động sản cũng đã đem lại nhiều cơ hội và lợi ích cho chủ đầu tư, người môi giới. Nhờ đó, chủ đầu tư có thể cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho khách hàng để họ có thể dễ dàng lựa chọn. Hơn nữa, đây cũng là một cách để tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế khó khăn hậu đại dịch.
Trước đó, theo Cafebiz, trong buổi tọa đàm "Ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị BĐS trong quản lý và khai thác", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng nhận định: "Doanh nghiệp BĐS trong nước đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Bản thân về phía Nhà nước, hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào khâu khai thác và vận hành BĐS. Điều gì là cần thiết ở khâu này? Rõ ràng công nghệ đã bắt đầu trở thành yếu tố không thể thiếu trong câu chuyện quản lý và khai thác BĐS. Con người đang được phục vụ bởi công nghệ và điều này là yếu tố quyết định đến giá trị bền vững của dự án cũng như tăng trưởng của một doanh nghiệp".
Còn Theo Nguyên Giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, ông Sử Ngọc Khương cho hay việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản đã xuất hiện khá lâu ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đến nay làn sóng công nghệ ngày càng mạnh mẽ, khiến thị trường bất động sản cũng phải thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị tụt hậu sao với các lĩnh vực khác. Dù vậy, theo ông Khương, hiện vẫn còn khó khăn tồn đọng khi liên kết nhà ở với đơn vị quản lý khi giá trị công nghệ chưa được chú trọng nhiều, nhiều căn hộ vẫn chưa thực sự trở thành căn hộ thông minh. Ông Khương nhận định: "Vì cơ sở hạ tầng thiếu nên các đơn vị nước ngoài cũng không thể mang hết cộng nghệ của họ qua đây để ứng dụng được".
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào BĐS là rất quan trọng, do đó Nhà nước cần thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý thông tin, dữ liệu thị trường và xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các thành phần trên thị trường. Nhà nước cũng nên số hóa thông tin, dữ liệu và có thể cho phép tra cứu công khai dữ liệu đất đai, bất động sản,... trong tương lai.
Linh Chi