'Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội khó đi vào thực tiễn'

Đông Bắc 14:02 | 03/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, không có vướng mắc gì về thủ tục vay gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Người dân mua nhà xã hội chỉ cần đáp ứng điều kiện vay lần đầu tiên. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng gói tín dụng này khó đi vào thực tiến dù đã ban hành.

 

Chưa có dự án để cho vay

Tại buổi  họp tín dụng gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, điều kiện vay vốn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ không có vướng mắc gì. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị 4 ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) tuyên truyền về gói tín dụng này.

“Ngân hàng làm được dự án nào phải công bố ngay. Nếu có gì phát sinh các ngân hàng phải báo cáo lên. NHNN khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói hỗ trợ này”, ông Tú nói.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cho biết, về gói 120.000 tỷ đồng, ngân hàng đã triển khai tới các chi nhánh, nhưng hiện Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án, trên cơ sở đó mới tiếp cận để triển khai cho vay, do đó quá trình không thể nhanh được, cần thêm nhiều thời gian.

“Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên các ngân hàng gặp khó khăn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thời gian qua” - ông Lê Ngọc Lâm khẳng định.

Trong khi đó, Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank - cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 tỷ đồng là việc chưa có dự án để cho vay.

  Chưa có dự án để cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh BTC.

Đại diện VietinBank cho rằng, về gói 120.000 tỷ đồng, các ngân hàng đã hết sức trách nhiệm, trong khi sự đồng hành của các bên chưa kịp. Vậy thì phải chờ cùng nhịp bước mới có thể triển khai.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cũng cho rằng, ngành ngân hàng có rất nhiều giải pháp đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhưng vẫn đang vướng ở các bộ, ngành, địa phương. Do vậy cần có giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương, để đẩy nhanh tiến độ.

“Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất, vậy làm sao cần có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó đi vào thực tiễn

Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ những vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội dù được ưu tiên nhưng vẫn gặp khó tại hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” mới đây. Ông Nghĩa cho biết: "Chưa bao giờ thấy hạnh phúc như hiện nay khi nhiều văn bản hỗ trợ cho ngành BĐS, cũng như nhà ở xã hội nói riêng. Nghe nói Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết liên quan về nhà ở xã hội, doanh nghiệp đang rất trông chờ về vấn đề này".

Bởi thực tế vẫn hết sức khó khăn. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất  120.000 tỷ đồng ban hành rồi nhưng khó đi vào thực tiễn bởi hiện không có dự án lấy gì triển khai. Còn doanh nghiệp triển khai lại không được hưởng. Ví dụ, Lê Thành vay ngân hàng 6 năm, trả được 3 năm, còn lại 3 năm. Ngày 25/4 vừa rồi, ngân hàng thông báo lãi suất vay nhà ở xã hội là 14%/năm do thời điểm vay không có gói tín dụng nào hỗ trợ lãi suất, phải vay gói thương mại. Khách hàng vay cũng vay lãi suất đó.

"Từ năm 2016 đến nay không có gói tín dụng nào cho nhà ở xã hội, nay có mà chúng tôi không được hưởng lãi suất 8,2 - 8,7%/năm thì quá vô lý. Với người mua nhà cũng vậy, hãy cho họ vay được hưởng lãi vay thấp. Hơn nữa, gói tín dụng lãi suất này hỗ trợ 5 năm, mà khoảng vay 15 năm, vậy sau thời gian ưu đãi thì khách hàng vay sẽ chịu lãi suất nào. Nếu thả nổi lãi suất như hiện nay nữa thì không chịu nổi", ông Nghĩa đề nghị.

Thảo luận tại Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 mới đây, GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những phân tích liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính Phủ vừa có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực bất động sản hướng vào thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Đặc biệt, gói tín dụng này cũng được Chính phủ chỉ đạo của ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn mức bình quân của 4 ngân hàng cho vay từ 1,5 đến 2%. Đây là nguồn vốn khá tốt ở thời điểm này và thời hạn cho vay cũng được xác định cho vay dài hạn.

Với mức lãi vay thấp hơn 2% là mức khá tốt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn về vốn như hiện nay. So với cái gói cho vay 30.000 tỷ đồng thời điểm năm 2010 thì chúng ta thấy rằng gói tín dụng ở giai đoạn này khác hơn nhiều. Gói tín dụng 30.000 tỷ trước đó ấn định ngay cho vay đối tượng là nhà ở xã hội với lãi suất thấp. Còn đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này là mức lãi vận hành trong các ngân hàng nhưng yêu cầu ở mức bình quân thấp hơn khoảng 1,5 đến 2%, xoay quanh đâu đó khoảng 8%. Với mức lãi vay 8% đối với vay bất động sản nói chung đã là điều tốt.

Hiện nay, không có doanh nghiệp bất động sản nào tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất vay dưới 10%. Do đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này được triển khai sẽ rất tốt cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đối với nhà ở cho người thu nhập thấp và đối tượng xã hội mà phải trả với cái mức vay 8 % thì cũng không phải là một cái mức dễ dàng, khó thanh khoản đối với những đối tượng này.

 Do vậy, cần mở rộng các đội tượng để tiếp cận được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị liên quan soát, lập các danh mục các cái dự án nào sẽ đủ điều kiện để tiếp cận gói tín dụng này. Đây là biện pháp tốt để tranh tình trạng là cho vay ưu đãi nhưng lại không có doanh nghiệp nào tiếp cận được.

 

Bộ Xây dựng hướng dẫn đối tượng vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng công bố, nhóm thứ nhất là cá nhân. Đối với trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp). Theo đó, đối tượng vay gồm: người có công với cách mạng theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Ngoài ra còn có sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Đối với trường hợp mua nhà ở thuộc các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ của Chính phủ, cụ thể là chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí tái định cư mà phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch diện tích, thì được vay vốn tại tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Nhóm thứ hai là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định về nhà ở.

Nếu đối tượng là chủ đầu tư dự án: Đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật; đã có quyết định giao đất hoặc có quyền sử dụng đất và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép theo quy định pháp luật về xây dựng.

Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: đã có chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước; các thông tin khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo NHNN, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.