Hà Nội đẩy nhanh nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội
Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến cho vay đối với các dự án thuộc lĩnh vực nhà ở trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 5019/QĐ-UBND ngày 29/11/2021, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 đạt 44 triệu m2 diện tích sàn nhà ở, với số vốn tương đương khoảng 437.000 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn ngân sách và huy động vốn ngoài xã hội.
Để đạt được mục tiêu trên, việc huy động được nguồn vốn xã hội phù hợp ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng của các dự án nhà ở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.
Phó Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội cho biết ngày 22/4/2022, UBND TP ban hành danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay giai đoạn 2021-2025 của Quỹ đầu tư phát triển thành phố gồm: Giáo dục; Y tế; Văn hóa, thể thao, du lịch; Giao thông; Môi trường; Năng lượng; Công nghiệp; Nông nghiệp; Nhà ở; Công nghệ, thông tin và viễn thông; Thương mại, dịch vụ.
Trong đó lĩnh vực nhà ở có: Đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; Đầu tư khu vực phát triển đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo chung cư cũ; xây dựng ký túc xá sinh viên và xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Hải thông tin thêm: Nguồn vốn của Quỹ thực hiện vai trò vốn mồi, chiếm khoảng 20-30% tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời kêu gọi các nguồn vốn khác từ các ngân hàng thương mại chiếm khoảng 50-60% tổng mức đầu tư thông qua hình thức hợp tác.
Trong những năm gần đây tuy chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 nhưng Quỹ cũng đã ký kết được 4 thỏa thuận hợp tác cho vay với giá trị gần 1.400 tỷ đồng, tiếp cận được 12 chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn nhà ở. Thực hiện cho vay 4 dự án nhà ở xã hội và tái định cư với tổng số tiền là 811 tỷ đồng, góp phần lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn điều lệ qua các năm. Phát huy được vai trò vốn mồi trong việc thu hút 4.515,4 tỷ đồng từ các Ngân hàng thương mại tham gia đầu tư vào các dự án các xã hội hóa, lĩnh vực an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố thông qua hình thức hợp tác cùng cho vay.
Với lợi thế về nguồn vốn cho vay đến năm 2025 khoảng 4.370 tỷ đồng, lãi suất cho vay 5,96%/năm, được duy trì trong suốt thời gian vay vốn dự án. Quỹ rất mong được đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 1/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Văn Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn; và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Nhà ở xã hội của Thành phố được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị; được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang triển khai 05 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.
Về định hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, theo quy định của Luật Nhà ở, TP Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 đã được được HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu và tổng nhu cầu sàn nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã đề cập đến nguồn vốn để thực hiện các dự án nhà ở xã hội thông qua các giải pháp như: Bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Tiếp đến, kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.