Hà Nội: Kiên quyết thu hồi, truy thu hàng trăm nhà chuyên dùng

Nguyễn Triệu 15:03 | 18/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Qua giám sát, kiểm tra của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng cho thấy việc khai thác và sử dụng quỹ nhà, đất này còn nhiều bất cập, lãng phí cần phải chấn chỉnh, khắc phục ngay nhằm phòng, tránh thất thoát ngân sách; đặc biệt là việc xử lý quỹ nhà tái định cư, nợ tồn đọng và vi phạm trật tự xây dựng.

 

Nhiều bất cập 

Theo báo cáo giám sát của HĐND thành phố Hà Nội trong tính đến hết quý I/2022 , trong khoảng 400 địa điểm nhà chuyên dùng thuộc phân loại quản lý cho thuê vẫn thực hiện thu nộp tiền thuê nhà do Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà quản lý, thực tế chỉ có 1 địa điểm tại 41 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) còn hạn hợp đồng thuê nhà, đất; 5 địa điểm được UBND thành phố chấp thuận cho thuê không phải trả tiền thuê nhà, đất; toàn bộ các địa điểm đã hết thời hạn thuê, đến nay vẫn chưa thực hiện gia hạn cho thuê.

Đặc biệt, nhiều địa điểm, nhiều diện tích sử dụng không đúng quy định với các hình thức: Chuyển diện tích cho thuê làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ sang làm nhà ở; sử dụng sai mục đích; không ký hợp đồng thuê nhà, tự ý chuyển nhượng nhà thuê cho đối tượng khác, cho thuê lại để hưởng chênh lệch; liên doanh liên kết trái phép; nhiều địa điểm bị lấn chiếm, một số địa điểm có tranh chấp về diện tích, không xác định được đối tượng thuê thực tế.

Cụ thể tại toà N01, ngõ 84 phố Chùa Láng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng từ năm 2016, Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội không xác định được đối tượng thuê và không thu được tiền thuê từ diện tích này. Số nhà 36 Bà Triệu thuộc quỹ nhà chuyên dùng đã được đơn vị thuê là Cty Xuất nhập khẩu Tạp phẩm cải tạo, xây dựng lại sai phép. Hiện trạng có 3 cửa hàng kinh doanh trên mặt tiền phố Bà Triệu, phía sau lưng cửa hàng là nhà các hộ dân sinh sống. Hợp đồng thuê nhà ký với Cty XNK Tạp phẩm đã hết hiệu lực, Cty đang nợ tiền thuê.

Số nhà 36 Bà Triệu thuộc quỹ nhà chuyên dùng đã được đơn vị thuê là Cty Xuất nhập khẩu Tạp phẩm cải tạo, xây dựng lại sai phép.  

Hay tại công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội 3/5 địa điểm nhà, đất được UBND thành phố cho thuê nhà, đất để sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hoá đều cho thuê lại và sử dụng sai mục đích (số 88 Lò Đúc, 437 Bạch Mai, 211 phố Khâm Thiên).

Khá nhiều địa điểm nhà, đất có vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao không đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả theo đúng công năng, lại trong tình trạng đóng cửa, không sử dụng cho mục đích kinh doanh khai thác. Trong đó, có nhiều địa chỉ nhà riêng lẻ và nhiều địa điểm thuộc diện tích kinh doanh tầng 1 thuộc các toà nhà chung cư tái định cư gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội.

  Biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học (quận Đống Đa) được xây trước năm 1954 nay thuộc quản lý của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Phía dưới biệt thự được phân lô nền cho dân thuê kinh doanh. (Ảnh: Kinh tế Đô thị)  

Trong báo cáo của HĐND TP Hà Nội ngày 27/6 do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn giám sát về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố  cho rằng: Các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà bị hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm không đảm bảo điều kiện an toàn. Điều này cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý nhà nước trong việc khai thác, kinh doanh của công ty quản lý nhà còn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản Nhà nước và của TP Hà Nội. Ví dụ như quỹ nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước còn trống 61/515 căn. Qua khảo sát thực địa tại căn biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm hiện trạng bị bỏ hoang, căn nhà xuống cấp, xung quanh nhiều rác thải.

Kiên quyết xử lý thu hồi nhà, đất vi phạm

Nhằm siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh hôm 17/10 đã ký ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết của HĐND thành phố thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, sẽ kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài; đồng thời, lập phương án sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đất thu hồi này để phát huy nguồn lực, tránh lãng phí. Phân loại, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm (nợ đọng tiền thuê, bị chiếm dụng hoặc tự bố trí cho thuê trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng, sở hữu...).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể quần chúng và nhân dân tích cực tham gia giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố.... 

  Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả (ảnh Vietnam+) 

Theo báo Tiền Phong qua giám sát, kiểm tra của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng cho thấy việc khai thác và sử dụng quỹ nhà, đất này còn nhiều bất cập, lãng phí cần phải chấn chỉnh, khắc phục ngay nhằm phòng, tránh thất thoát ngân sách; đặc biệt là việc xử lý quỹ nhà tái định cư, nợ tồn đọng và vi phạm trật tự xây dựng. áng chú ý, thành phố quyết định giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng do Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, thực hiện trong quý IV/2022.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm; đồng thời tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh những bất cập trong cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất…