Hà Nội nâng 'tiền cọc' nhằm siết đầu cơ đấu giá đất

Đông Bắc 16:56 | 15/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo quy định mới của UBND TP Hà Nội, người tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 24/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 27/2020 ngày 18/11/2020 của UBND TP Hà Nội quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6.

Quy định bổ sung điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, theo đó, yêu cầu người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Bên cạnh đó, Quyết định số 24 bổ sung Điều 12a quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá tài sản; hồ sơ và cách thức đăng ký tham gia đấu giá.

Việc đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện thông qua các hình thức: Nộp tiền đặt trước trực tiếp tại đơn vị thực hiện cuộc đấu giá hoặc vào tài khoản của đơn vị thực hiện cuộc đấu giá; nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá trực tiếp tại đơn vị thực hiện cuộc đấu giá hoặc qua thư điện tử hoặc qua thư bảo đảm.

Quy định thời gian nộp tiền đất trúng đấu giá

Theo quy định mới, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của UBND cấp có thẩm quyền, cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người trúng đấu giá.

Thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 126 ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá chủ động xác định, đề xuất thời hạn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cụ thể tại phương án đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng không được quá thời gian quy định tại Điều 18 Nghị định số 126.

Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng quy định trên, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế có văn bản gửi cơ quan Tài nguyên và Môi trường về việc người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo thời hạn quy định sau khi có văn bản của cơ quan thuế về việc người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Hồ sơ trình ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 30/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Khoản tiền đặt cọc (theo quy định tại khoản 5 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản) của người bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 điều này được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các khoản chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm (TP HCM) bỏ cọc. 

Sử dụng định chế tài chính riêng

Đánh giá về quy định tăng cọc lên 20%, ông Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ trên Báo Kinh tế đô thị rằng, việc chính quyền Hà Nội đưa ra biện pháp “phòng bị” như vậy trong thời điểm này là rất kịp thời.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ được xem như một giải pháp tình thế. Để giải quyết được triệt để tận gốc vấn đề thì các bộ, ngành chuyên môn cần phải tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi lại một số nội dung quy định của luật, trong đó đưa nội dung quy định về định chế tài chính ngân hàng tham gia vào công tác thẩm định đấu giá, đấu thầu.

Nhấn mạnh đến việc, Nhà nước nên nghiên cứu để đưa định chế tài chính ngân hàng tham gia vào công tác thẩm định đấu giá, những người tham gia đấu giá, đấu thầu sẽ được ngân hàng thẩm định về năng lực tài chính và khi đấu giá thì được ngân hàng bảo lãnh về tài chính.

Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội Trần Huy Ánh nhấn mạnh: “Theo tôi, quy định đặt cọc 20% hay cao hơn nữa thì tổ chức, cá nhân vẫn có thể sử dụng các nguồn vay tín dụng để tham gia đấu giá, nếu thiếu đi sự bảo lãnh tài chính từ ngân hàng thì vẫn không thể thẩm định chính xác được năng lực tài chính của người tham gia. Công tác thẩm định của cơ quan như tài chính, tài nguyên và môi trường... chỉ mang tính tham khảo, nó không sát với thực tế”.

Hiện nay, những quy định về đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản đất đang có “độ vênh” giữa văn bản pháp quy và thực tế triển khai, chẳng hạn việc xác định mức giá khởi điểm căn cứ vào bảng khung giá đất thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế; cùng với đó luật cũng chưa quy định rõ ràng về tiến độ thực hiện dự án, vì vậy sau khi trúng đấu giá nhiều lô đất bỏ không hàng chục năm trời, gây lãng phí.

Nguyên tắc của đấu giá là thu được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng mục tiêu lâu dài là sau khi đấu giá xong thì công trình được hoàn thành, thu hút lao động, tăng GDP, nộp ngân sách đầy đủ. Bên cạnh đó cũng cần phải có quy định về đánh thuế đối với tài sản sau khi đấu giá và thực hiện biện pháp thu hồi để tránh trường hợp đất đai không được đưa vào sử dụng.