Hải Phòng: Dự án điện gió ngoài khơi chục tỷ đô được Tập đoàn Đan Mạch đề xuất nghiên cứu

17:04 | 03/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cổng thông điện tử Hải Phòng thông tin, trong chiều ngày 2/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Đan Mạch làm việc về dự án Dự án điện gió ngoài khơi thành phố Hải Phòng của Tập đoàn Orsted.

Cụ thể, phái đoàn Đan Mạch do ông Troels Jakobsen, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam làm trưởng đoàn và đại diện trong buổi gặp mặt với lãnh đạo Hải Phòng. 

Trong buổi làm việc ông Troels Jakobsen bày tỏ mong muốn mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong tương lai giữa Đan Mạch và Hải Phòng thời gian tới tiếp tục được thúc đẩy trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, chuyển đổi kinh tế xanh…

Các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đang được các tập đoàn nước ngoài nhắm đến, ảnh: VNCPC

Được biết, Dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng do Tập đoàn Orsted đề xuất nghiên cứu khảo sát có tổng công suất là 3.900 MW, chia làm 3 giai đoạn; sản lượng gió dự kiến là khoảng 13.665.600 MWh/năm; tuabin gió dự kiến lắp đặt công suất khoảng 20MW, chiều cao trụ từ 150 đến 200m.

Vị trí dự án ở vùng biển ngoài khơi, phía Đông Nam cách đảo Bạch Long Vỹ 14km, phía Tây Bắc cách quần đảo Long Châu 36km, cách đảo Cát Bà 88km, cách huyện Tiên Lãng 76km, cách huyện Kiến Thụy 74 km, cách quận Đồ Sơn 70km. Tổng mức đầu tư ước tính cho toàn Dự án là 11,9 - 13,6 tỷ USD.

UBND thành phố Hải Phòng cho biết Dự án phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với quan điểm ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo... Đánh giá cao năng lực của Tập đoàn Orsted trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ hoan nghênh dự định đầu tư Dự án tại thành phố và khẳng định sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đối với nhà đầu tư.

Để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai, nghiên cứu quy hoạch sau này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ đề nghị nhà đầu tư cung cấp thêm các tài liệu, bổ sung những vấn đề được các Sở, ngành nêu ra tại cuộc làm việc, hoàn thiện hồ sơ để dự án có tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch yêu cầu phía Tập đoàn rà soát, làm rõ các nội dung liên quan đến vị trí khảo sát, khoảng cách bố trí các tuabin gió phù hợp để kết hợp và phát triển hợp lý không gian biển một cách khoa học, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, việc phân kỳ đầu tư, không làm tác động ảnh hưởng đến luồng hàng hải, vấn đề an ninh quốc phòng…

Tập đoàn Orsted là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối.

Năm 2020, doanh nghiệp công bố doanh thu lên tới 8,6 tỷ USD, lợi nhuận 3 tỷ USD. Orsted hiện cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và dự kiến nâng con số này lên gấp đôi vào năm 2025.

Về Hải Phòng, trong giai đoạn 2016-2020, địa phương này đã có những bước phát triển toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ. Tiềm năng lợi thế được phát huy, thu hút đầu tư nước ngoài FDI, đạt trên 1,4 tỷ đô la Mỹ, gấp 3,03 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 57% kế hoạch năm…

 

Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng phong điện ngoài khơi của Việt Nam có thể lên tới 500 gigawatts – gấp hơn 800 lần so với công suất lắp đặt 0,6 gigawatts hiện nay. Để tham khảo, Đức - quốc gia đi đầu với vị thế vững chắc trong lĩnh vực phong điện - hiện có khoảng 62 gigawatts công suất lắp đặt phong điện, trong đó gồm 8 gigawatts là phong điện ngoài khơi.

Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ nước ta cũng đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FiT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới.

Điện gió được kỳ vọng sẽ nối bước thành công của đầu tư FDI và đầu tư tư nhân vào các dự án điện mặt trời, đồng thời tiếp tục chứng minh khả năng tài chính của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo làn sóng đầu tư tiếp theo vào năng lượng tái tạo có thể sẽ thu hút các dự án với quy mô lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, sẽ cung cấp công suất phát điện lớn hơn so với các dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió trên đất liền.