Hành trình kỳ lân của Nguyễn Thành Trung với Sky Mavis và Axie Infinity
Sky Mavis, startup đứng đằng sau Axie Infinity, chỉ mất ba năm để đạt danh hiệu "kỳ lân".
Nguyễn Thành Trung bị CryptoKitties cuốn hút vì nó là sự kết hợp của thứ anh thích - game - và thứ anh ghét - blockchain. Đó là cuối năm 2017 khi thế giới đang phát sốt với những đợt ICO.
Tất cả những gì Trung thấy là nhiều kẻ xấu đang cố gắng lừa tiền của các nhà đầu tư. Trong mắt Trung, mục đích của ICO chỉ là gọi vốn và các ứng dụng của nó thực sự tẻ nhạt. Mọi thứ chỉ là công nghệ tài chính và những con số tẻ nhạt trên màn hình.
Bản chất của một kỹ sư khiến Trung muốn đào sâu về cơ chế hoạt động của CryptoKitties. CryptoKitties chính là NFT (non-fungible token hay token không thể thay thế) được biểu thị dưới dạng một dãy số dài duy nhất trên mạng blockchain Ethereum. Không có 2 Kitty nào giống hệt nhau có thể được tạo ra. Vì thế, mỗi chú mèo có các tính chất khác nhau. Và khi các chú mèo "lai tạo" với nhau, đặc điểm riêng có của chúng tiếp tục tạo ra các chú mèo mới với các đặc điểm hoà trộn.
Thực tế này tạo ra một thử thách thú vị với Trung và tạo cảm hứng để anh sáng tạo ra Axie Infinity, trò-chơi-để-kiếm-tiền góp phần thúc đẩy cả ngành game blockchain phát triển trong năm nay.
Sử dụng lượng thông tin ít ỏi với các chú mèo mà anh sở hữu trong game, Trung bắt đầu truy vết dữ liệu về mã nguồn của trò chơi để tìm hiểu về thuật toán của CryptoKitties.
"Đây là điều khá tự nhiên khi bạn là một kỹ sư bởi chúng tôi luôn nhìn nhận với đề ở những lớp lang sâu hơn", Trung nói với CoinDesk. "Chúng tôi muốn hiểu mọi thứ đằng sau tấm màn thay vì chỉ nhìn trên bề mặt".
Điều này luôn đúng đối với Trung. Anh là người đại diện cho Việt Nam ở cuộc thi International Collegiate Programming Contest (ICPC) diễn ra tại Nga vào năm 2014. Đây là cuộc thi lập trình danh tiếng, lớn và lâu đời nhất trên thế giới. Nó vẫn được xem là Olympic của ngành tin học.
Với Trung, tham gia các cuộc thi như vậy là một niềm vui với anh. Anh thích cảm giác hồi hộp khi được đối đầu với những bộ óc xuất chúng để vượt xa giới hạn của bản thân. Tìm hiểu về thuật toán của CryptoKitties là là một thử thách về kỹ thuật khác Trung tự đặt ra cho mình. Khi Trung nhận ra công nghệ có thể được dùng để tạo ra những điều vui nhộn, có ý nghĩa, Trung thay đổi quan điểm về blockchain.
Với niềm tin blockchain có thể được đón nhận thông qua các ứng dụng đơn giản hơn thay vì các phần mềm tài chính nhàm chán, Trung nghĩ ra ý tưởng tạo ra trò chơi của riêng mình, tương tự CryptoKitties nhưng thú vị hơn. Anh tìm đến Đoàn Minh Tú, người được biết đến nhiều hơn với biệt danh Masamune, và trình bày ý tưởng của mình.
Nhiều năm trước đó, Trung và Masamune là những người đồng sáng lập Lozi, một mạng xã hội cho những người yêu ẩm thực. Hai người có nhiều điểm tương đồng như yêu thích văn hoá Nhật Bản, mê Pokémon và manga.
Họ cũng đều thích tạo ra các trò chơi của riêng mình và rủ bạn bè cùng trường chơi cùng. Trong khi Trung vẽ các nhân vật trên các tấm thẻ bài, Masamune thích tạo ra các board game và dán nhân vật mình tạo ra lên các đồng tiền xu để làm quân cờ. Masamune cũng thích tạo ra các nhân vật từ đồ ăn. Anh từng dùng tăm và gắn thêm các phụ kiện khác lên củ khoai tây.
Khi còn làm việc ở Lozi, 2 người thường xuyên chia sẻ về đam mê game. Là dân nghiền game, Trung nghiên cứu kỹ các trò chơi mình chơi về quy luật và cơ chế hoạt động. Trong khi đó, Masamune lại thích tìm hiểu về câu chuyện và đồ hoạ. Đây cũng là lúc Masamune chia sẻ với Trung rằng anh mơ ước phát triển một trò chơi của riêng mình một ngày nào đó. 2 người sau đó tham gia một cuộc thi và tạo ra một trò chơi lấy ý tưởng từ trò Battle City của Nintendo.
Rất tiếc, họ không chiến thắng và họ nhận ra rằng mình không thực sự giỏi làm game. Thế nhưng, sự nhiệt thành của 2 người đã bù đắp cho thiếu hụt kinh nghiệm. Sự đam mê thôi thúc 2 người làm nhiều hơn thế.
Với ý tưởng game blockchain mới của Trung, Masamune không thực sự hiểu công nghệ đằng sau nhưng anh hào hứng được tiếp tục làm game với Trung. Anh về nhà và vẽ thứ đầu tiên lướt trong suy nghĩ. Kết quả là nhân vật đầu tiên của Axie, Puff, ra đời.
Trong vài tháng đầu tiên, khi chỉ có 2 người trong dự án, Masamune đã nghĩ ra toàn bộ các ý tưởng sáng tạo và chuyển tới Trung, người áp dụng kiến thức toán học để cân bằng nền kinh tế trong game.
Cuối cùng, khi họ bắt đầu thu hút được sự chú ý – khoản gần 1.000 người ủng hộ với số vốn 500.000 USD, Trung khuyên Masamune rời Lozi để tập trung toàn thời gian cho Axie. Masamune lo lắng về điều này vì anh không có tình hình tài chính ổn định và không có khoản tiết kiện nào. Dù vậy, Masamune tin vào năng lực của Trung và đáng để theo đuổi giấc mơ.
Đầu năm 2018, Jeffrey "Jiho" Zirlin dạo một vòng quanh ứng dụng nhắn tin Discord để tìm kiếm các dự án NFT mà anh có thể bổ sung vào CV của mình. Trước đó, anh là một nhân viên tuyển dụng tại New York và chuyên giới thiệu nhân sự cho các quỹ phòng hộ lớn như Bridgewater Associates và D.E. Shaw.
Zirlin có khả năng nhận ra những người có năng lực sử dụng cả 2 nửa của não bộ khi vừa có khả năng suy nghĩ phân tích có phương pháp vừa có khả năng sáng tạo, nghệ thuật.
Zirlin gia nhập Axie Discord như một người chơi và nhanh chóng nhận ra năng lực của Trung. Khi chuẩn bị nhắn tin riêng cho Trung, Zirlin nhận ra hai người đã kết nối với nhau trước đó, khi Zirlin còn là giám đốc tăng trưởng của dự án nay đã dừng hoạt động KittyHats, một dự án bổ trợ cho trò chơi CryptoKitties.
CryptoKitties là một trong những câu chuyện thành công đầu tiên của kỷ nguyên mã hoá. Trò chơi này khiến số lượng giao dịch hàng ngày trên Ethereum tăng gấp 6 lần và suýt khiến cả mạng blockchain này sập. "Giống cách mọi người đặt ra câu hỏi 'đâu sẽ là Axie tiếp theo', trước đây, chúng tôi đặt ra câu hỏi 'đâu sẽ là CryptoKitties tiếp theo'", Zirlin nhớ lại. Zirlin có thể đã tìm kiếm một cơ hội ở Mỹ, tuy nhiên, anh lại chọn Việt Nam.
"Một điều đặc biệt đang xảy ra khi một anh chàng có thể thuyết phục một người Mỹ và một người Na-Uy từ bỏ mọi thứ và đến Việt Nam", Zirlin nói. Anh không gặp Trung từ tháng 2/2020 khi rời Việt Nam vào dịp Tết Âm lịch và chưa thể quay lại do COVID-19. Thế nhưng, trong 2 năm đầu tiên Sky Mavis hoạt động, Zirlin sống cùng căn hộ với hai người đồng sáng lập khác của studio này là Masamuna và Aleksander Larsen.
Với Larsen, người để bạn gái lại Na-Uy, từ bỏ một công việc xây dựng "một trò chơi không gian thú vị và lớn" để tới Việt Nam sống và phát triển "một trò chơi thú cưng tí hon", anh vẫn nhớ khoảnh khắc kỳ quặc Trung đến đón anh tại sân bay. Mới chỉ làm việc trên mạng, gặp gỡ trực tiếp luôn mang lại cảm xúc kỳ lạ.
Họ nói chuyện linh tinh trong xe hơi và Trung chở Larsen đến khách sạn. Kiệt sức sau chuyến bay dài và đang muốn đi ngủ, Larsen đi tắm. Khi ra khỏi nhà tắm, Larsen thấy Trung đang ngồi trên giường và đắm chìm vào những dòng code. Larsen cảm thấy như thể mình đang ở trong một bộ phim về những ngày đầu của một startup thành công với một nhóm các nhà lập trình xuất chúng, tập trung cao độ vào sứ mệnh của mình. Lúc đó, Larsen biết mình đã quyết định đúng.
Hiện tại, Sky Marvis đang có đội ngũ 87 nhân sự khắp nơi trên thế giới với khoảng 60 người ở Việt Nam và phát triển nhiều dự án khác nhau như Axie Infinity, mạng blockchain dựa trên Ethereum có tên Ronin, một ví di động và một sàn giao dịch phi tập trung có tên Katana.
Vào những ngày đầu, Trung tự đảm nhiệm phần lớn phần lập trình và tư duy tự làm mọi thứ của anh ảnh hưởng đến nguyên tắc phát triển cốt lõi của Sky Mavis. Bất kỳ thứ gì không đạt đến tiêu chuẩn của anh, Trung sẽ nói: Chúng ta có thể làm tốt hơn.
"The Last Dance" là một bộ phim tài liệu trên Netflix nói về Michael Jordan và đội Chicago Bulls. Trong bộ phim này, Michael Jordan được lột tả là một người khao khát học hỏi và luôn cố gắng trở thành một cầu thủ giỏi hơn trong cả sự nghiệp của mình. Anh nói với huấn luyện viên của mình: "Sẽ không ai làm việc chăm chỉ như tôi".
Khi Larsen xem bộ phim này, anh có một cảm giác quen thuộc. Giống Jordan, Trung luôn kỳ vọng đội ngũ của mình thúc đẩy bản thân để đạt được kết quả cao hơn.
Trung là một người cực kỳ chú ý đến tiểu tiết. Anh chăm chỉ, đặt ra các tiêu chuẩn cao và gần như tiệm cận mức bất khả thi. Trong cả năm đầu tiên, đội ngũ của Trung làm việc 6 ngày 1 tuần. Trung nghiêm khắc với bản thân như cách anh nghiêm khắc với người khác.
"Nó là mục tiêu chung của cả 2 bên. Trung muốn sản phẩm tuyệt vời và bạn cũng vậy", Hồ Việt Anh (Andy Ho), người đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của Sky Mavis, nói. "Nhưng vì tiêu chuẩn của anh ấy cao hơn của bạn, bạn cần sẵn sàng thay đổi tiêu chuẩn của mình. Bạn phải nâng kỳ vọng của mình lên".
"Trung là một người hướng đến sự hoàn hảo và đôi khi bạn cần kiểu lãnh đạo như vậy", Larsen nói. "Anh ấy sút vào mông tôi vài lần. Và nếu anh ấy thất bại, tôi cũng có thể làm điều tương tự. Đó là mức độ thực thi chúng tôi kỳ vọng lẫn nhau".
Bên cạnh vẻ ngoài cứng rắn, Trung là một người ẩn dật, sống hướng nội. Anh hiếm khi thực hiện phỏng vấn, không tương tác nhiều với các nhà đầu tư. Thông thường, Zirlin và Larsen sẽ là những người tương tác với đối tác bên ngoài.
Trung dị ứng với sự xao nhãng và tin vào việc phân chia nguồn lực. Đó là lý do vì sao Sky Mavis có tới 5 người đồng sáng lập. Với những vấn đề hướng ngoại, một Zirlin giàu năng lượng được giao trọng trách. Larsen, vốn là một người lịch thiệp và truyền thống, được giao nhiệm vụ quan hệ nhà đầu tư. Trong khi đó, Andy Ho và Masamune phụ trách vận hành nội bộ tại Việt Nam.
Cho tới giữa năm 2018, Trung có nhiều trải nghiệm rất thực tế. Anh thực hiện phần lớn nhiệm vụ lập trình, thiết kế sản phẩm và trải nghiệm người dùng, quản trị chất lượng và khai thác. Anh cũng nhận xét phần mỹ thuật và thực hiện phát triển cộng đồng.
Đó là một khoảng thời gian khó khăn. Vốn đang cạn dần và những người đồng sáng lập có thời điểm không được nhận lương vào năm 2018. Sky Mavis gần như không thể tồn tại.
Sau đó, một đợt bán trước (pre-sale) các nhân vật trong Axie Infinity giúp Sky Mavis duy trì được hoạt động. Đến đầu năm 2019, Sky Mavis nhận dược 1,5 triệu USD vốn đầu tư trong vòng hạt giống. Trước đó, công ty vẫn chỉ nhận được lời đề nghị mua 50% cổ phần với giá 1 triệu USD.
"Chúng tôi không ngừng phát triển công ty", Zirlin nói. "Có những người làm việc không nghỉ ngày vào trong năm 2018".
Mặc dù khó khăn, Trung nhấn mạnh sự công bằng và tiếp cận với vấn với tư duy phân tích, đồng nghiệp của anh chia sẻ. Khi gặp thử thách, Trung yêu cầu đồng nghiệp trao đổi và bảo vệ quan điểm của mình bằng các hành động. Bằng cách này, mọi người đều hiểu vấn đề và đóng góp ý tưởng.
"Quá trình ra quyết định luôn được thực hiện như vậy", Andy Ho nói. "Vì thế khi Trung đưa ra quyết định, chúng tôi hiểu vì sao và chúng tôi hiểu nó dựa vào một phần lý thuyết và một nền tảng vững chắc làm bệ đỡ cho quyết định". Nếu thất bại, mục tiêu là hiểu vì sao điều đó xảy ra và giúp đội ngũ cải thiện trong lần tới.
Andy Ho, đồng sáng lập thứ năm và cuối cùng của Sky Mavis, gia nhập Sky Mavis trong vai trò giám đốc công nghệ vào năm 2018. Dù gia nhập cuối cùng, anh biết Trung lâu nhất.
Trước khi từ "metaverse" được nhiều người biết tới, 2 người đã lập nhóm để dự thi các cuộc thi trực tuyến, đối đầu với nhiều chuyên gia học thuật về chủ đề này.
Sau khi học trung học, Andy Ho học đại học ở Singapore. Sau đó, anh về Việt Nam và làm việc cho Anduin Transactions, một công ty Mỹ, có văn phòng tại TP.HCM nơi Trung cũng đang làm việc.
Hơn 2 năm sau khi làm việc cho Anduin, Andy Ho tâm sự với Trung rằng anh chán nản với phần mềm tài chính và muốn làm gì đó thú vị hơn. Sau khi đã nghỉ Anduin vài tháng trước để để lãnh đạo Axie toàn thời gian, Trung nhận ra cơ hội thuyết phục Andy Ho gia nhập đội ngũ.
"Đây chỉ là điểm khởi đầu", Trung nói. "Chúng ta có cơ hội làm việc cùng nhau và có cơ hội cạnh tranh với các đội ngũ khác trên toàn thế giới", anh nói với Andy Ho. Andy hoàn toàn bọ thuyết phục và nộp đơn thôi việc tại Anduin. Đây là khoảnh khắc quan trọng với Trung vì cuối cùng anh cũng tìm được người có thể đảm nhiệm các hoạt động phát triển, lập trình.
Trong năm 2021, đội ngũ Sky Mavis liên tục đạt được các đỉnh cao mới, với 7,5 triệu USD kêu gọi được ở vòng Series A và 152 triệu USD ở vòng Series B. Với định hướng chiến lược toàn cầu ngay từ đầu, chỉ chưa đầu 3% trong số 2,6 triệu người chơi hàng ngày của Axie đến từ Việt Nam.
Thành công của Sky Mavis đang tạo cảm hứng cho nhiều startup trong nước. Cyball, Sipher và Thetan Arena là ba ví dụ các startup game blockchain từ Việt Nam và bắt đầu thu hút sự chú ý trong thời gian trở lại đây.