Hơn 150 nghìn tỷ TPDN đáo hạn trong nửa cuối năm: Áp lực cho đà phục hồi chứng khoán?
Hơn 150 nghìn tỷ TPDN dự kiến đáo hạn trong nửa cuối năm, 42% là TPDN BĐS
Theo thống kê của KBSV, tính từ đầu năm đến ngày 14/6, ước tính tổng giá trị TPDN chậm trả gốc, lãi ở mức 61 nghìn tỷ, chiếm 5,7% giá trị TPDN đang lưu hành. Trong đó bao gồm 9,3 nghìn tỷ TPDN đã đáo hạn không trả được gốc, còn lại là 51,8 nghìn tỷ TPDN chưa đến hạn nhưng chậm thanh toán lãi.
“Lượng trái phiếu chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 đến nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại”, báo cáo của KBSV nhận định. Trong đó, TPDN bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị TPDN chậm trả nợ, ghi nhận mức 42,4 nghìn tỷ.
Riêng nhóm tài chính bao gồm các tổ chức tín dụng và kinh doanh chứng khoán không ghi nhận lô trái phiếu nào chậm trả.
Nửa cuối năm 2023, ước tính cho thấy lượng trái phiếu đáo hạn lên tới 150,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là TPDN của nhóm bất động sản với trị giá khoảng 63,3 tỷ đồng, tức tương đương 42% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn.
Riêng quý III, ước tính có tới 91,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đến kỳ đáo hạn, tức tăng khoảng 26% so với quý liền trước. Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng là tháng 10 và 11 trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30,6 nghìn tỷ vào tháng 12/2023.
Tổng hợp thông tin từ HNX, KBSV ước tính có khoảng 13 doanh nghiệp phi ngân hàng có giá trị trái phiếu đáo hạn trên 3 nghìn tỷ trong nửa cuối năm 2023. “Điểm đáng chú ý là trong số những doanh nghiệp trên có đến 12 doanh nghiệp bất động sản và 11 doanh nghiệp chưa niêm yết… Trong đó, Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát dẫn đầu giá trị trái phiếu đáo hạn với gần 15 nghìn tỷ”, nhóm phân tích chỉ rõ. Theo KBSV, đây là những lô TP liên quan đến vi phạm đã bị phát hiện vào năm ngoái của ban lãnh đạo công ty nên rủi ro được đánh giá là rất cao.
Một số tổ chức phát hành khác cũng được KVSV đề cập trong danh sách giá trị trái phiếu đáo hạn cao trong nửa cuối năm 2023 bao gồm CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (9,2 nghìn tỷ), CTCP Dịch vụ - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (3,7 nghìn tỷ) và CTCP Hưng Thịnh Land (3,6 nghìn tỷ).
“Với triển vọng kinh doanh không mấy khả quan của ngành BĐS nói chung, các doanh nghiệp này sẽ khó có thể hoàn thành nghĩa vụ đáo hạn trong thời gian tới”, báo cáo nhận định.
Áp lực lên đà phục hồi của thị trường chứng khoán
Nhìn chung, KBSV nhận định các vấn đề của thị trường TPDN đã không còn được coi là sự kiện “Thiên Nga Đen” trong năm nay do nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị từ trước. Do đó, dự báo các tác động về mặt tâm lý được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các ‘cú sốc’ như trong năm 2022.
Trên thực tế, một số sự kiện chậm trả lãi và gốc đã diễn ra từ cuối 2022 đến nay với quy mô không nhỏ nhưng tác động lên thị trường chung là không đáng kể.
Một yếu tố hỗ trợ khác, theo nhóm phân tích, cũng đã xuất hiện và tác động tích cực lên thị trường TPDN nói chung cũng như ngành BĐS nói riêng như việc doanh nghiệp dễ đàm phán với trái chủ hơn nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; các chính sách hỗ trợ thị trường TPDN được ban hành ở Nghị định 08 và Thông tư 02,03; hay việc mặt bằng lãi suất giảm (dù có độ trễ), giúp phần nào giảm áp lực trả lãi vay từ đó hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, báo cáo của KBSV cho biết chưa nhìn thấy rủi ro xuất hiện 1 ‘cú sốc’ lớn nào ở thị trường TPDN có thể tác động mạnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, sự ổn định vĩ mô, cũng như thị trường chứng khoán (tương tự sự kiện Vạn Thịnh Phát – SCB). Tuy nhiên, với quy mô đáo hạn lớn và việc mất khả năng thanh toán đang dần được bộc lộ rõ nét, nợ xấu ngân hàng được dự báo tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên chi phí dự phòng, lợi nhuận ngành ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay và qua đó tác động tiêu cực kìm hãm đà hồi phục của thị trường chứng khoán chung.
Thực tế trong quý I/2023, những tín hiệu áp lực này đã được thể hiện phần nào qua bức tranh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ xấu tại nhiều nhà băng ghi nhận tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Theo nhóm phân tích, tình trạng chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp khiến rủi ro nợ xấu gia tăng, gây áp lực lên chi phí trích lập của hệ thống ngân hàng. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến lãi suất cho vay của các ngân hàng trong các tháng đầu năm vẫn duy trì ở mức cao bất chấp nỗ lực hạ lãi suất điều hành của NHNN.