Honda - Nissan đàm phán sáp nhập: Bước ngoặt hay cú liều của ngành ô tô Nhật Bản?

Thu Hằng (Theo Asia Times)/TTXVN 16:13 | 22/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vụ sáp nhập tiềm năng giữa Honda và Nissan đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như BYD (Trung Quốc), Tesla (Mỹ).

Các công ty ô tô Nhật Bản

Trong một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, hai “người khổng lồ” Honda và Nissan dự kiến ​​sẽ bắt đầu đàm phán sáp nhập vào tuần tới. Cả hai công ty Nhật đều đã bị BYD (công ty xe điện Trung Quốc) vượt qua, và nếu cộng lại, doanh số bán xe của họ chưa bằng 3/4 của Toyota. Họ hy vọng sẽ phục hồi bằng cách kết hợp các công nghệ và đạt được quy mô kinh tế lớn hơn.

Nhưng theo tờ Asia Times, kế hoạch này có vẻ giống như sự trở lại với việc thu hẹp quy mô các ngành “công nghiệp hoàng hôn” của Nhật Bản từ nhiều thập kỷ trước, và là phản ứng theo bản năng chủ nghĩa dân tộc trước việc Foxconn quan tâm đến việc mua lại cổ phần hoặc thậm chí là tiếp quản Nissan. Foxconn là thương hiệu quốc tế của tập đoàn công nghiệp chính xác Hon Hai Precision Industry tại Đài Loan.

Thực trạng "bi đát" của Nissan và Honda

“Phán quyết” của thị trường chứng khoán đã rất nhanh chóng và rõ ràng. Vụ sáp nhập công bố rộng rãi vào sáng 18/12, thì khi thị trường đóng cửa, giá cổ phiếu của Honda đã giảm 3%, trong khi giá cổ phiếu của Nissan tăng 24%.

Nói một cách dễ hiểu, đây là một vụ cứu trợ: một khoản lợi nhuận bất ngờ cho Nissan, nhưng là tin xấu cho các cổ đông của Honda. Giá cổ phiếu của Renault, công ty sở hữu trực tiếp 17,0% Nissan và 18,7% thông qua một quỹ tín thác, đã tăng 5%. Giá cổ phiếu của Hon Hai giảm 1%.

Honda và Nissan, cả hai đều là những công ty từng dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô trong quá khứ, nay đã tụt hậu rất xa so với Toyota, Tesla và BYD trên thị trường xe điện và xe hybrid (xe lai điện).

Dữ liệu trong ba tháng tính đến tháng 9 cho thấy BYD đã vượt qua Honda và Ford để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ sáu thế giới về số lượng xe bán ra. Có lẽ còn tệ hơn nữa, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely (sở hữu Volvo) đã vượt qua Nissan để xếp thứ chín.

Tất nhiên, vụ sáp nhập được đưa ra là nhằm hướng đến tương lai. Trang NikkeiAsia đưa tin rằng hai công ty sẽ đàm phán sáp nhập "để cạnh tranh tốt hơn với Tesla và các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi nhanh chóng".

Tờ Financial Times, thuộc sở hữu của Nikkei, đưa tin rằng hai công ty "đang trong các cuộc đàm phán thăm dò về việc sáp nhập để tạo ra một công ty khổng lồ trị giá 52 tỷ USD của Nhật Bản".

Nhưng trang nhất của tờ Nikkei tiếng Nhật vào sáng 19/12 đã chạy dòng tít: "Thương vụ mua lại của Hon Hai, cảm giác khủng hoảng". Honda, công ty đã bắt đầu thảo luận về "quan hệ đối tác chiến lược" với Nissan hồi tháng 3 năm ngoái, cho biết họ sẽ hủy kế hoạch nếu Nissan hợp tác với Hon Hai.

Áp lực từ đối thủ và xu hướng thị trường

Hon Hai (Foxconn) cũng đang xây dựng doanh nghiệp ô tô điện của riêng họ, tạo thêm áp lực cho Honda và Nissan.

Vào năm 2020, công ty đã thành lập liên minh toàn cầu MIH (Mobility in Harmony) với hy vọng trở thành "nền tảng Android của ngành công nghiệp xe điện" và "tạo ra một hệ sinh thái mở 'được định nghĩa bằng phần mềm' cho ngành sản xuất xe điện". Hon Hai cũng có một liên doanh với nhà sản xuất ô tô Đài Loan Yulon, nơi sản xuất ô tô điện do họ thiết kế.

Tổng giám đốc điều hành của liên minh MIH là CEO người Nhật Jun Seki, người trước đây từng giữ chức chủ tịch của Dongfeng Nissan (liên doanh của Nissan với Dongfeng Motor tại Trung Quốc), giám đốc điều hành Nissan, giám đốc điều hành của nhà sản xuất động cơ Nhật Bản Nidec và gần đây nhất là giám đốc chiến lược cho mảng ô tô điện của Hon Hai.

Seki đã nhìn thấy tiềm năng hợp tác với Nissan, hãng từng ra mắt mẫu xe điện tiên phong Nissan LEAF vào năm 2010, và ông được cho là quan tâm đến việc mua lại cổ phần của Renault tại Nissan.

Renault đã rút khỏi liên minh với Nissan và Mitsubishi Motors, trong khi Honda và Nissan đang cân nhắc đưa Mitsubishi Motors vào một liên minh ba bên hoàn toàn của Nhật Bản.

Một liên minh như vậy sẽ có quy mô bằng khoảng 80% Toyota hiện nay, và có lẽ không quá 70% sau khi cắt giảm sản lượng ô tô chạy xăng. Liên minh này có lẽ cũng sẽ có quy mô tương đương với Hyundai Motor Group - hiện đang xếp thứ ba sau Toyota và Volkswagen.

Điều đáng lưu ý là chỉ có 3 trong số 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới báo cáo doanh số bán hàng theo năm tăng trong ba tháng tính đến tháng 9/2024, gồm: BYD (+38%), Geely (+20%) và Ford (+1%). Những hãng khác báo cáo mức giảm một chữ số, ngoại trừ GM (-13%) và Honda (-12%). Theo xu hướng hiện tại, BYD có thể sớm vượt qua GM và Stellantis, trong khi Geely bắt kịp Honda.

Tổng doanh số bán xe Nissan chỉ giảm 3% trong quý trước, nhưng cả lượng xe giao và giá xe đều giảm mạnh tại Trung Quốc. Do đó, lợi nhuận ròng của công ty đã giảm hơn 90% trong nửa đầu năm tài chính này, kết thúc vào tháng 3 năm 2025. Lợi nhuận ròng của Honda đã giảm 20% trong cùng kỳ, vì lý do tương tự.

Giải pháp và triển vọng

Honda cũng cần một giải pháp thay thế cho quan hệ đối tác xe tự lái với GM - "đại gia" Mỹ đã từ bỏ dự án taxi tự hành Cruise vào tuần trước, khiến Honda rơi vào cảnh khốn đốn. Trước đây, Honda và GM đã có kế hoạch đưa Cruise đến Tokyo vào năm 2026.

Giải pháp thay thế có thể đã được triển khai. Hồi đầu tháng 8, Honda và Nissan đã công bố kế hoạch tiến hành nghiên cứu chung về các loại xe được điều hành bằng phần mềm thế hệ tiếp theo, xe tự lái và AI, cũng như pin, sạc pin, hệ thống động cơ và truyền động xe điện (e-axle). Dần dần, dự án này có thể dẫn đến taxi tự lái.

Honda cũng có kế hoạch tăng gấp đôi doanh số bán xe hybrid, theo chân Toyota và BYD để trở thành phân khúc mạnh nhất của thị trường xe du lịch.

Thật dễ để hoài nghi về những diễn biến này, nhưng chúng ta cần nhớ rằng cam kết của Toyota đối với xe hybrid đã bị chế giễu trong nhiều năm bởi những người nghĩ rằng xe chạy bằng pin điện là làn sóng của tương lai.

Họ đã sai, và những người hoài nghi về sự hợp nhất của Honda-Nissan cũng có thể nhầm lẫn. Tất nhiên, việc chống trả lại Toyota, Hyundai, BYD, Geely và các đối thủ cạnh tranh mạnh khác cũng sẽ không dễ dàng.

Vụ sáp nhập này không chỉ là một nỗ lực "cứu trợ" cho Nissan mà còn là cơ hội cuối cùng để cả hai công ty lấy lại vị thế trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Dù có những nghi ngờ và rủi ro, việc hợp nhất có thể mang lại những đột phá mới nếu họ biết tận dụng tài sản công nghệ và nguồn lực chung. Tuy nhiên, để vượt qua các đối thủ mạnh như Toyota, BYD, và Tesla, họ cần một chiến lược dài hạn rõ ràng và mạnh mẽ.