Huyện Thanh Oai dồn toàn lực GPMB dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Oai. Một trong những nội dung trọng tâm của buổi làm việc là nhiệm vụ triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện này.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, dự án có đoạn qua huyện dài khoảng 7,9 km, đi qua địa bàn 6 xã. Tổng diện tích thu hồi khoảng 79,36 ha của 1.501 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Trong đó có đất phi nông nghiệp khoảng 10,3 ha; đất nông nghiệp khoảng 78,1 ha; nhu cầu tái định cư khoảng 40 hộ; số mồ mả cần di chuyển khoảng 1.145 ngôi thuộc 4 nghĩa trang. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ước tính khoảng 1.050 tỷ đồng.
Để triển khai dự án, huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các tổ công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi nhận đủ mốc giới thu hồi đất của dự án trên bản đồ và thực địa, Hội đồng đã họp triển khai công tác, đồng thời ban hành kế hoạch chi tiết giải phóng mặt bằng và phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ.
UBND các xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nhân dân biết về chủ trương thực hiện dự án, công khai các thông tin liên quan dự án và mốc giới giải phóng mặt bằng, rà soát sơ bộ các hộ sử dụng đất, diện tích thuộc phạm vi thu hồi và chỉ đạo các xã tiến hành giao tới các hộ gia đình có đất nằm trong chỉ giới bản tự kê khai.
Huyện cũng báo cáo đề xuất thành phố nhu cầu tái định cư, vị trí đề xuất tái định cư, phương án di chuyển mộ, những khó khăn vướng mắc; báo cáo và đề xuất UBND thành phố, các sở, ngành xem xét chấp thuận vị trí, cắm mốc 2 khu đất để mở rộng nghĩa trang trên địa bàn 2 xã Cự Khê và Mỹ Hưng với diện tích khoảng 2,6 ha, đồng thời đề nghị UBND thành phố phê duyệt khu tái định cư đất ở trên địa bàn xã Cự Khê với diện tích khoảng 1,9 ha. Cả 3 dự án thành phần trên sẽ thực hiện song song với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt 2 dự án mở rộng nghĩa trang cần kịp tiến độ xong trước mùa sang cát, chuyển mộ theo phong tục địa phương.
Cũng liên quan đến dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, huyện Thanh Oai đề nghị UBND thành phố quyết định dự án cải tạo, chỉnh trang, mở rộng nghĩa trang phục vụ công tác giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn thành phố theo cơ chế đặc thù và hỗ trợ cho 6 xã có diện tích đất thu hồi bị ảnh hưởng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận về kết quả toàn diện trong các lĩnh vực công tác của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai trong thời gian qua; đồng thời tin tưởng, cuối năm 2022, huyện sẽ đạt được những kết quả tốt hơn.
Liên quan đến dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, đề nghị huyện cùng các sở, ngành liên quan ưu tiên toàn tâm toàn lực cho công tác hoàn thành các cơ chế chính sách, di chuyển mộ để giải phóng mặt bằng, bảo đảm quyền lợi cho người dân. “Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần”, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu.
Gỡ khó trong giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4
Liên quan đến việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo một số nội dung cụ thể tới từng đơn vị, sở, ngành.
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tăng tính chủ động trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao song song với quá trình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 1.1 (triển khai đồng thời theo chủ trương được Quốc hội thông qua và Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết), phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng trên địa bàn của từng quận, huyện trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao phần mặt bằng còn lại trên địa bàn từng quận, huyện trước ngày 31/12/2023.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổng hợp lập, trình thẩm định, phê duyệt Dự án thành phần 1.1 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 1/2023.
UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và các đơn vị liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi tối đa để UBND các quận, huyện và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố triển khai hoàn thành các nhiệm vụ được giao đảm bảo mục tiêu, tiến độ, trong đó, tập trung một số nội dung liên quan đến công tác GPMB.
Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, cần chủ động, tổng hợp báo cáo UBND thành phố giải quyết một cách kịp thời, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội sẽ giải quyết các thủ tục liên quan đến đường Vành đai 4 tối đa 2 ngày? 27/10/2022 - 08:29
UBND thành phố Hà Nội phân công triển khai từng công việc cụ thể đối với từng đơn vị, quận, huyện. Với công tác bồi thường, hỗ trợ để GPMB, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, đơn vị chủ đầu tư Dự án thành phần 1.1, thực hiện lập, trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cắm và bàn giao mốc GPMB tại thực địa cho UBND các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín; tổ chức thực hiện di dời, hoàn trả phần hạ tầng kỹ thuật công trình ngầm, nổi nằm trên địa bàn của 2 quận, huyện trở lên để GPMB triển khai Dự án.
UBND 7 quận, huyện nêu trên tiếp nhận hệ thống cọc mốc do Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố bàn giao, lựa chọn nhà thầu tư vấn và tổ chức đo vẽ bản đồ phục vụ công tác GPMB bằng nguồn vốn của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đối với đoạn tuyến trên địa bàn của từng quận, huyện...