Quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kinh tế số
Theo đó, Thủ tướng đã có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 vào hôm 2/9 dưới hình thức ghi hình.
Nội dung bài phát biểu của Thủ tướng về vai trò của kinh tế số, sự phát triển của kinh tế số, công nghệ số và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, là nền kinh tế phát triển năng động trong ASEAN, có mạng lưới 17 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 đối tác, thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, thích ứng nhanh với công nghệ số, tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam là hết sức to lớn; Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các nước thúc đẩy quan hệ thương mại dịch vụ nói chung và kinh tế số nói riêng không ngừng phát triển theo hướng cởi mở, bao trùm, bền vững, tôn trọng, bình đẳng, nhân văn, cùng có lợi; đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước và đem lại lợi ích thiết thực cho khu vực và toàn cầu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra một số đề xuất cụ thể nhằm nâng cao sự hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế số.
Đầu tiên, các nước cần tận dụng chuyển đổi số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, trong đó tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia cũng như bất bình đẳng xã hội, tạo điều kiện để người dân ở các khu vực kém phát triển tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng số.
Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các thỏa thuận quốc tế trong hợp tác về công nghệ số và kinh tế số để kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đúng hướng trên cơ sở tổng hòa lợi ích chung của toàn xã hội; đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo đảm quyền riêng tư cũng như chống độc quyền và xóa bỏ sự bất bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Tiếp theo đó chính là việc quan tâm, chú trọng đến hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ; góp phần hỗ trợ người lao động từng bước thích ứng với công nghệ số.
Thủ tướng lưu ý vấn đề khác là đề cao vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, nhất là lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, bảo đảm cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cuối cùng, tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông thủy sản có tính thời vụ.
Kinh tế số thấy được cơ hội gì trong dịch COVID-19?
Đáng chú ý, trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ có đề cập tới vấn đề bối cảnh hiện tại các nước đang chịu tác động cộng hưởng của của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số sẽ là chìa khóa quan trọng hỗ trợ các nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác tốt hơn các nguồn lực, thúc đẩy lưu chuyển dòng vốn, hàng hóa và dịch vụ, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện.
Hiện tại, Việt Nam đang đứng trước nhiều con đường, chỉ cần chậm nhịp là có thể tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với khoảng cách ngày càng xa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, hiện kinh tế số hóa là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Bởi nền kinh tế vận hành bằng nền tảng số này giúp tăng nguồn lực cả về nguồn lực con người và nguồn lực tài nguyên, từ đó sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tạo sự vượt trội...Chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt với việc ban hành những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0
Trên thực tế, trước bối cảnh dịch bệnh lan rộng các nền tảng công nghệ, ứng dụng số hóa và trực tuyến đang dần len lỏi vào cuộc sống của người dân. Thương mại điện tự, các kênh bán hàng trực tuyến thậm chí xu hướng các doanh nghiệp, trường học làm việc, giảng dạy online cũng dần phổ biến.
Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng đã nỗ lực rất nhiều để hội nhập kinh tế, tạo tiền đề thực hiện nền tảng kinh tế số khi tạo được môi trường chính trị ổn định, các chính sách kinh tế tiến bộ và mức tăng trưởng kinh tế số bền vững… Thành quả chính là thị trường rộng lớn, loạt hiệp định thương mại quốc tế được ký kết như bài phát biểu của Thủ tướng đã nhắc tới ở trên.
Theo báo cáo mới nhất vào tháng 7 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, kinh tế số của Việt Nam đang đóng góp 8,2% cho GDP. Theo ước tính của Google, Temasek và Bain & Co, đến năm 2025, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đạt mức 52 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á trị giá 300 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia chỉ ra nước ta đang đứng trước thời cơ tăng tốc kinh tế số, miễn là giải quyết được các rào cản chủ chốt gồm: hạ tầng, thể chế và con người, đáng chú ý là vấn đề thể chế. Cần xây dựng những chính sách, và hành lang pháp lý triển khai các mô hình kinh doanh mới; song hành với đó, chính quyền cũng phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0.
Dịch COVID-19 là một cơ hội để Việt Nam cải cách và nắm bắt được những cơ hội từ kinh tế số, nếu làm được rất có thể mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2035 sẽ không còn là suy nghĩ xa vời.