Khó cân bằng cung – cầu tín dụng cuối năm
Khó tiếp cận vì hết tài sản thế chấp
Giá nguyên vật liệu đang có xu hướng nhích lên theo giá điện, giá dầu, trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chưa phục hồi rõ ràng khiến hoạt động của không ít doanh nghiệp cơ khí gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp có dự án công trình cơ khí nhưng lại đang gặp khó trong việc xoay vốn hoạt động.
Theo ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp và Thương mại Vít Việt, hiện doanh nghiệp có đơn hàng để sản xuất cho mùa vụ cuối năm, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn về vốn. Do đặc thù của ngành cơ khí là đầu tư lâu dài, máy móc thiết bị mua phải trả liền, trong khi dòng xoay vốn lại quá chậm quá. Điều này dẫn đến nhiều thời điểm các doanh nghiệp cơ khí gặp khó khăn về dòng tiền, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu thụ còn chưa phục hồi mạnh như hiện nay.
Ông Vũ cho biết, hiện nay nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp được các ngân hàng tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp cho mùa kinh doanh cuối năm. Bản thân doanh nghiệp cũng rất muốn vay vốn ngân hàng, tuy nhiên do không còn tài sản đảm bảo nên việc tiếp cận rất khó. Doanh nghiệp có đơn hàng mà không có vốn thì cũng chịu thua.
“Chúng tôi có khoảng 5.000 m2 đất nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II, tuy nhiên do Nhà nước chưa công bố bảng giá đất nên không thể dùng tài sản này để đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp đã phải trả hết tiền thuê đất sử dụng lâu năm, còn nhà cửa thì đã mang đi thế chấp hết rồi. Do đó, các gói tín dụng ưu đãi hay ngay cả chương trình kích cầu của Tp. Hồ Chí Minh mới tái khởi động gần đây mà không có tài sản đảm bảo thì doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận được”, ông Vũ chia sẻ.
Không riêng doanh nghiệp cơ khí này, nhiều doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động cho mùa kinh doanh cuối năm, tuy nhiên do không còn tài sản đảm bảo nên việc tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, tài sản thế chấp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phần lớn là đất nông nghiệp, nhưng lại đang bị ngân hàng định giá rất thấp. Hạn mức tín dụng được cấp nhiều khi chỉ được 20% so với giá trị trường. Chưa kể, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nông nghiệp lâu nay gặp rất nhiều rào cản, do được ngân hàng nhận định có rủi ro cao, thanh khoản thấp, lợi nhuận không nhiều.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cũng cho hay, bài toán vốn luôn là câu chuyện dài kỳ của các doanh nghiệp, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.
Theo ông Mạnh, với bối cảnh thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn của ngành gỗ và các ngành xuất khẩu thì có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lợi nhuận suy giảm, hết tài sản đảm bảo. Trong khi đó, điều kiện vay vốn của ngân hàng vẫn không thay đổi, vẫn cần tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Do đó, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp không phải đơn giản. Doanh nghiệp phải tiếp cận được với ngân hàng thì mới bàn đến câu chuyện lãi suất, hay hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng.
Trước đó, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cũng cho biết, để trụ lại sau đợt dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều phải dùng tài sản đảm bảo đi vay ngân hàng. Hiện các doanh nghiệp này gặp 2 vấn đề chính là lãi vay khoản nợ cũ còn khá cao và không vay mới được do hết tài sản thế chấp.
Dù đà suy giảm của xuất khẩu gỗ đã thu hẹp trong thời gian gần đây, nhưng nếu muốn khôi phục tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, ở thời điểm này, vẫn không có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay mới để đầu tư máy móc, vật liệu mà chủ yếu vay để đảo nợ cũ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA), các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn trong tình trạng thiếu vốn kinh doanh, đặc biệt là mùa cao điểm sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp.
Các doanh nghiệp này muốn vay thêm là bất khả thi, do không còn tài sản đảm bảo để thế chấp. Trong khi đó, nhà xưởng trong khu công nghiệp thì ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo; tài sản xây dựng trên đất nông nghiệp bị định giá thấp… nên nhiều công ty vô cùng khó khăn trong vấn đề huy động vốn lưu động.
Với các khó khăn trên, đại diện HUBA đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét tháo gỡ bằng cách định giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường; tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được thế chấp tài sản đất thuê hàng năm và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.
Tiếp tục khơi thông dòng vốn
Một cuộc khảo sát mới thực hiện và công bố cuối tháng 10/2023 của HUBA cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn đã làm tăng tồn kho ngoài dự kiến, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh. Sự kết hợp giữa lực cầu suy yếu, lạm phát cao, gánh nặng nợ tạo nên khó khăn thực sự cho một số doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong một số ngành như vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, gỗ… vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng. Doanh nghiệp thuê đất hàng năm khu công nghiệp không được cấp giấy đất để vay vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp nông nghiệp khó vay vốn, tài sản thế chấp bị đánh giá quá thấp nên thiếu hụt vốn kinh doanh”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết.
Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn. Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công là khó khả thi. Kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.
Với các khó khăn trên, có tới 44% doanh nghiệp có doanh thu giảm và 50% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm. Do đó, khảo sát của HUBA ghi nhận có tới 73% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất; 59% doanh nghiệp đề xuất được giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…
Tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tín dụng, giảm lãi vay lên tới 73% cho thấy không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, cũng như phần nào phản ánh khó khăn trên thị trường tiêu thụ. Ở thời điểm này, nhiều ngân hàng muốn đẩy vốn ra, nhưng với bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, dòng tiền yếu nên thường vướng các quy định liên quan đến chuẩn tín dụng, nhất là yêu cầu về tài sản đảm bảo.
Thực tế, số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn mới đạt 4,67%, tăng thấp hơn so với bình quân chung cả nước (tăng 7,39%). Do đó, việc kết nối cung – cầu tín dụng đang là bài toán của ngành ngân hàng thành phố trong những tháng cuối năm này.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 1.000 kiến nghị của doanh nghiệp xoay quanh vấn đề vay vốn ở các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố đã đề nghị các ngân hàng thương mại phải trực tiếp tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trường hợp nào không cho vay được cũng phải phản hồi lại cho doanh nghiệp được biết.
Tuy vậy, theo ông Lệnh, việc cho vay vốn hay không tùy thuộc vào quyết định của từng ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước không thể can thiệp vào hoạt động cho vay của các ngân hàng. Với những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh, trường hợp vướng về mặt cơ chế chính sách như vấn đề tài sản đảm bảo đất nông nghiệp, đất khu công nghiệp… thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, UBND thành phố xem xét xử lý. Vướng về thủ tục hành chính, cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu thì doanh nghiệp có thể phản ánh qua đường dây nóng, email… Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp xử lý.
“Đối với khó khăn vướng mắc thuộc doanh nghiệp, chúng tôi mong doanh nghiệp chia sẻ với ngành ngân hàng. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, không đáp ứng yêu cầu nguyên tắc tín dụng mà vẫn cho vay ra thì bản thân cán bộ tín dụng đã sai, có thể phải đối mặt với các án phạt. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tín dụng của chính ngân hàng đó và có thể dẫn đến hệ quả xử lý nợ xấu khó khăn mà các chuyên gia thường ví von là “cục máu đông” trong nền kinh tế”, ông Lệnh chia sẻ.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, hiện các ngân hàng đang nỗ lực khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, thông qua một số giải pháp như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn… Từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng thành phố sẽ tập trung khai thác lợi thế tính chất mùa vụ, dịp Tết với nhu cầu vốn thường tăng cao như lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, du lịch…
Đáng chú ý, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của Tp. Hồ Chí Minh, các ngân hàng đang giải ngân cho vay bình ổn thị trường với mức lãi suất rất thấp khoảng 4-6%/năm. Hiện doanh số giải ngân của chương trình đã lên đến khoảng 9.000 tỷ đồng, bao gồm cho vay doanh nghiệp sản xuất trực tiếp và các doanh nghiệp phân phối.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Agribank cũng cho biết: Trong tháng cuối năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng khách hàng chính của ngân hàng. Theo đó, Agribank chia ra các chương trình đối với khách hàng doanh nghiệp, gắn với các lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế là: xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Với khách không có nhu cầu vốn lưu động mà đầu tư, Agribank cũng có gói 10.000 tỷ đồng cho nhóm này với lãi suất trung - dài hạn ưu đãi, tùy quy mô của từng khoản mà mức độ ưu đãi về lãi suất và ưu đãi khác nhau./.