Kinh nghiệm “3 tại chỗ”  của các doanh nghiệp địa bàn Nghệ An

07:05 | 02/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch Covid -19, cùng với giãn cách xã hội đã gây thách thức không nhỏ cho cộng đồng,  doanh nghiệp sản xuất trong thời gian qua, nhưng với tinh thần linh hoạt trên thương trường, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã kịp thời thích ứng với môi trường đầu tư, kinh doanh theo phương thức mới.

Trong đó, một số doanh nghiệp cho biết, họ có những kinh nghiệm nhất định khi tổ chức sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ" và đây là cơ sở tạo đà tái sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid - 19 được kiểm soát và chính quyền địa phương từng bước mở cửa hoạt động kinh tế, xã hội.

Hơn thế nữa, dựa trên những quy định tổ chức sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ", các doanh nghiệp hoạt động trên điạ bàn tỉnh đã đảm bảo duy trì cơ bản hoạt động của công ty, nhà máy. Đồng thời, kết hợp với sự nỗ lực đổi mới sáng tạo phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 cũng đã góp phần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp vững vàng hơn trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.

Điển hình, "3 tại chỗ" và "y tế tại chỗ" được công ty và doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện không chỉ là một trong những yếu tố giúp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn bảo vệ  sức khỏe cho đội ngũ người lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đặt ra những mục tiêu như chủ động đảm bảo nhà xưởng xanh và công nhân khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông Lê Anh Đức giám đốc công ty Phúc An đang kinh doanh và vận hành trang trại chăn nuôi và phát triển năng lượng tái tạo và điều hành cả chuỗi cung ứng, kinh doanh nội thất Hòa Phát tại TP Vinh tất cả đều thực hiện "3 tại chỗ". Kinh nghiệm cho thấy, trong thời gian "3 tại chỗ" thì vấn đề quan trọng nhất là ổn định tâm lý người lao động, cũng như người chủ doanh nghiệp phải giữ vững tinh thần không chủ quan nhưng không sợ hãi.

Còn ông Trần Đức Tiềm, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh hải sản và chế biến nước mắm Cửa Hội cho biết, từ thời điểm đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan đến dịch bệnh và thành lập ban an toàn Covid-19 tại công ty, nhà xưởng. Ban an toàn Covid-19 được xem như đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề phòng chống dịch, bảo vệ an toàn cho đội ngũ nguồn lao động; cung cấp thực phẩm, thuốc...

Mặt khác, Công ty chúng tôi cũng gặp khó khăn về nguyên vật liệu sản xuất nên buộc phải điều chỉnh kế hoạch thu mua và tồn kho. Nếu trước đây khi nào cần nguyên vật liệu mới mua, thì từ năm 2020 đã chuyển đổi theo xu hướng tăng tỷ lệ dự phòng nguyên vật liệu, nhằm đảm bảo duy trì sản xuất ổn định và cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Tại Công ty cổ phần kinh doanh Hải sản và chế biến nước mắm Cửa Hội, còn thành lập thêm kho phụ và tách riêng biệt bộ phận giao nhận ra khỏi bộ phận sản xuất. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh, thì bộ phận giao nhận là đơn vị có nguy cơ cao trong lây nhiễm và mang lại rủi ro lớn cho nhà máy, phân xưởng sản xuất.

Khu sản xuất của công ty Thủy Sản Nghệ An 

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cũng chia sẻ những cách làm riêng trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như tập trung vào chiều sâu, đầu tư chất lượng bao bì sản phẩm. Nhóm doanh nghiệp này đầu tư thêm máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình tự động, khuyến khích đội ngũ người lao động và cộng tác viên đưa hàng lên thị trường online.

Song song với việc doanh nghiệp đầu tư vào chất lượng sản phẩm sẽ tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, thì thúc đẩy thị trường online giúp quảng bá sản phẩm và cập nhật thông tin thương hiệu đến mọi khác hàng. Đây cũng được doanh nghiệp đánh giá là giải pháp duy trì sản xuất ổn định, tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm hiểu thị trường online và tạo nền tảng đưa sản phẩm vào nhóm ngành hàng của kênh thương mại điện tử trong thời gian tới.

Tại Nhà máy Xi măng Nghi Thiết thuộc Công ty Xi măng Sông Lam, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện 5K, doanh nghiệp còn bố trí buồng khử khuẩn ngay ở cửa ra vào, bất cứ muốn vào đều phải đi qua buồng khử khuẩn và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K.

Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An được đánh giá là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Ông Đặng Văn Hùng - Trưởng phòng An toàn của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An cho biết: Trước khi CBCNV vào lưu trú tại công ty, đơn vị đã tổ chức thực hiện công tác rà soát, sàng lọc nhằm kiểm soát đầu vào, đảm bảo an toàn phòng dịch. Thay đổi phương án kiểm soát theo từng thời điểm để phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, giai đoạn từ tháng 7/2021 tới nay, đối với CBCNV rời Khu lưu trú tập trung của doanh nghiệp này đều phải thực hiện khai báo và rà soát lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc trước khi quay lại, để đảm bảo không liên quan đến các vùng dịch, các ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Sau khi xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính, người lao động được đưa vào khu cách ly riêng biệt trong công ty trong 21 ngày, tiếp tục được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR 1 ngày/lần rồi mới được vào khu lưu trú.

Không chỉ kiểm soát đầu vào, tất cả CBCNV lưu trú trong Nhà máy đều được xét nghiệm định kỳ bằng phương pháp RT-PCR 1 lần/tuần. Với nhóm công nhân có rủi ro cao như bảo vệ, kho nhập hàng..., xét nghiệm nhanh nội bộ bằng bộ kít của Công ty tự nhập mua 1 ngày/lần.

Bố trí lều ngủ trong công ty để thực hiện 3  tại chỗ được áp dụng nhiều tại các khu công nghiệp.

Theo lãnh đạo công ty, để đảm bảo an toàn trong dịch, doanh nghiệp cần thực hiện phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt như đang trong “Chỉ thị 16+”. Cụ thể, chia nhiều phân khu lưu trú nhỏ theo từng bộ phận và theo các nhóm có rủi ro lây nhiễm Covid-19 khác nhau, mỗi phân khu khoảng 50-60 người, sử dụng khu vực nhà ăn, khu vực tắm giặt, vệ sinh riêng biệt và không tiếp xúc với các phân khu lưu trú khác; Trong từng phân khu lưu trú, tiếp tục chia các phòng theo dây chuyền, ca kíp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong trường hợp có rủi ro, công nhân ở dây chuyền  nào ở cùng dây chuyền đó, ca trực nào ở cùng ca trực đó; Thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế về khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, kiểm tra nhiệt độ 2 lần/ngày; Tổ chức bữa ăn tại từng phòng và phân chia giờ tắm, giặt vệ sinh cá nhân để hạn chế tối đa tiếp xúc.

Tại khu công nghiệp VSIP, lúc cao điểm đã có 13/20 doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ở tại chỗ cho người lao động theo phương án "3 tại chỗ" với tổng cộng 3.598 công nhân.

Ông Lê Đức Giáp - Trưởng phòng An toàn an ninh và Môi trường, kiêm Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết, hiện nay phía công ty cũng đã tuyên truyền để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh và của BQL KKT Đông Nam. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh nhưng đồng thời vẫn phải đáp ứng kế hoạch sản xuất, đơn hàng, còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị đã bố trí được phương án "3 tại chỗ", trợ cấp 3 bữa ăn/ngày cho công nhân khi ở lại và có doanh nghiệp còn hỗ trợ từ 1 -1,5 triệu đồng/tháng trong thời gian ở lại doanh nghiệp, nhưng một số lao động vẫn có tâm lý lo sợ, không muốn ở lại. Điều này vô tình khiến cho công nhân có nguy cơ bị lây bệnh bên ngoài cộng đồng nếu như không thực hiện "3 tại chỗ" ở doanh nghiệp.

Để người lao động yên tâm thực hiện “3 tại chỗ”, hầu hết các doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện điều kiện sinh hoạt như bố trí thêm nhà tắm, khu vệ sinh, mua sắm lều ngủ, bắt thêm điều hòa, hỗ trợ thêm bữa phụ, lắp đặt giá xạc điện thoại... và có những chế độ hỗ trợ tương xứng ngoài lương.

Tại Công ty TNHH Luxshare-ICT, bên cạnh việc chăm lo đời sống, đảm bảo chế độ cho 4.000 lao động, lãnh đạo và tổ chức công đoàn công ty còn sáng tạo nhiều hoạt động nhằm cải thiện điều kiện sống cho người lao động như mở dịch vụ căng tin, lắp thêm wifi, tổ chức các cuộc thi trực tuyến trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”. Để đảm bảo công tác “3 tại chỗ” cho hơn 600 công nhân lao động, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An đã thực hiện 4 suất ăn/ngày, hỗ trợ thêm 50 nghìn/ngày; bố trí chỗ đánh bóng bàn, cầu lông để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần; thuê container, lắp điều hòa để người lao động có thêm chỗ nghỉ ngơi; thuê nhà vệ sinh di động để đáp ứng nhu cầu yêu cầu phòng chống dịch... Tại Công ty Xi măng Sông Lam, thời điểm cao điểm nhất, công ty thực hiện “3 tại chỗ” cho hơn 1.400 công nhân lao động nhưng vẫn đảm bảo tất cả công nhân đều được hỗ trợ bữa ăn phụ và hỗ trợ ngoài lương 80 nghìn/ngàyhiếu lớn nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, được nhận hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng..

Ký túc xá  3 tại chỗ của Công ty CP Luxshare -ICT Nghệ An

“Bên cạnh những đơn vị có ý thức cao, ứng phó tốt với diễn biến dịch và thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách bài bản thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa có sự đầu tư nghiêm túc cho nội dung này. Việc kiểm soát các yếu tố từ bên ngoài vào chưa nghiêm ngặt, bố trí chỗ ăn, ngủ cho công nhân lao động còn lúng túng, vẫn còn tình trạng tổ chức ăn chung cùng lúc hàng trăm người, chưa có vách ngăn trên bàn ăn, chưa phân luồng đường đi cho các ca sản xuất, chưa hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho công nhân lao động…” là chia sẻ của ông Kha Văn Tám chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An.

Sau thời gian áp dụng “3 tại chỗ” tại đơn vị mình, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng khi phải duy trì phương án này trong thời gian dài.  Bởi lẽ, khi áp dụng “3 tại chỗ”, ngân sách vận hành doanh nghiệp tăng lên với đủ loại chi phí: Chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn ở, chi phí xét nghiệm thường xuyên, chi phí hỗ trợ ngoài lương cho công nhân lao động... Bên cạnh đó, việc tổ chức ăn ở tại chỗ nếu trong ngắn hạn thì không sao, nhưng nếu lâu dài, người lao động sẽ bị gò bó, đời sống tinh thần không được đảm bảo dẫn đến tình trạng không mặn mà với “3 tại chỗ”…”.

Từ những khó khăn đó, các chủ doanh nghiệp đều đề xuất mong muốn được các cơ quan chức năng cấp tỉnh quan tâm, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp. Đây cũng là mong mỏi của tất cả công nhân lao động trên địa bàn