Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV: Nhận diện rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu

Ngọc Quỳnh - Diệp Anh/ TTXVN 14:07 | 20/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 20/10 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

 

Thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, chia sẻ vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ, song có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. 

Cụ thể, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. 

Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn. 

Vừa qua, vụ việc xảy ra tại một số doanh nghiệp, tập đoàn, các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn. 

Về thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm 2022, có dấu hiệu tăng nóng, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng. 

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn “chuyển trạng thái đột ngột”, đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Liên quan đến thị trường tiền tệ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc giữ ổn định lãi suất và tỷ giá cũng gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu. 

Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong một thời gian khá dài khi nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ nguyên nhân của nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang có xu hướng gia tăng; đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41%, trong khi đó cuối năm 2021 là 6,3%.

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc dừng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến nợ xấu tiềm ẩn trong thời gian tới cũng như tới các khách hàng vẫn chưa khắc phục được khó khăn do dịch COVID-19.