Lãi khoản vay gần 14.000 tỷ 'ăn mòn' lợi nhuận TTC Sugar
Theo đó, trong quý III niên độ tài chính 2022-2023, TTC Sugar ghi nhận 5.710 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2022. Đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu khi các dòng sản phẩm đường chiếm tới 91% và tăng tới 75% so với cùng kỳ, lên 5.180 tỷ đồng. Điều này đến từ việc giá đường liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo dữ liệu của Trading Economics, đến ngày 10/4, giá hợp đồng đường thô trên Sàn giao dịch Liên lục địa (The Intercontinental Exchange - ICE) đã tăng lên 23,6 USD/Lbs, ghi nhận mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2016, tăng hơn 15% chỉ trong 2 tuần trở lại.
Việc giá đường thô tăng vọt được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu cao và nguồn cung toàn cầu khan hiếm. Cụ thể, giá dầu thô tăng gần 20% từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, được đánh giá khuyến khích các nhà sản xuất đường mía phân bổ sản lượng để pha trộn nhiên liệu sinh học có lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, Chính phủ liên bang mới của Brazil - quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 21% tổng sản lượng và 45% tổng xuất khẩu toàn cầu - đã chấm dứt chương trình miễn thuế đối với xăng, làm tăng nhu cầu ethanol sản xuất từ mía đang bị đánh thuế thấp hơn. Thêm vào đó, sản lượng đường dự báo thấp hơn ở các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Trung Quốc cũng làm tăng mối lo ngại về nguồn cung.
Trong báo cáo ngành nông nghiệp đầu tháng 4/2023, Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, giá đường toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ; thời tiết bất lợi (hạn hán) ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất đường ở châu Âu; các doanh nghiệp sản xuất mía đường Brazil dự kiến tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường do đợt tăng giá xăng gần đây.
Cùng đó, doanh thu tài chính của TTC Sugar cũng tăng 82% lên 305 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chi phí tài chính còn tăng mạnh hơn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 502 tỷ đồng; do chi phí lãi vay tăng 96% lên 359 tỷ. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ, cộng thêm là khoản lỗ hơn 11 tỷ đồng từ công ty liên kết trong khi cùng kỳ lãi gần 6 tỷ đồng.
Theo TTC Sugar, việc tăng mạnh chi phí, đặc biệt là khoản chi phí lãi vay (359 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 26% so với cùng kỳ xuống 153 tỷ đồng. Cụ thể, tính đến 31/3/2023, doanh nghiệp có khoản nợ vay gần 13.770 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn hơn 8.700 tỷ và vay dài hạn gần 2.470 tỷ. Nợ vay chiếm hơn 70% tổng nợ của TTC Sugar.
Trong đó, khoản vay ngân hàng (cả ngắn hạn và dài hạn) gần 8.140 tỷ đồng, được bảo đảm bởi quyền sử dụng đất, vốn góp, hợp đồng tiền gửi và trái phiếu cùng hàng tồn kho và vốn góp vào công ty con. Trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 2.460 tỷ đồng, được bảo đảm bởi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của nhiều dự án doanh nghiệp đang nắm giữ.
Luỹ kế 3 quý theo niên độ tài chính, TTC Sugar đã chi gần 921 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, tăng tới 63% so với kỳ trước, chiếm 76% tổng chi phí tài chính.
Như vậy, kết thúc 3 quý niên độ tài chính 2022-2023, TTC Sugar ghi nhận gần 18.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ niên độ và hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu đặt ra cho niên độ. Trong đó, mảng đường ghi nhận doanh thu 16.535 tỷ đồng, chiếm 92% tổng doanh thu, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Bên cạnh sản phẩm đường, doanh thu mật rỉ ghi nhận 299 tỷ đồng, tăng 6,2% và mảng điện ghi nhận 203 tỷ đồng, tăng 11,3%. Doanh thu phân bón ghi nhận gần 158 tỷ đồng, tăng 111%.
Đáng lưu ý, doanh thu khác ghi nhận gần 751 tỷ đồng, chiếm 4,1% doanh thu và tăng 63,4% so với cùng kỳ. Khoản này đến từ hoạt động bán máy móc cơ giới và các sản phẩm nông nghiệp khác như: chuối, dừa, cao su…., cho thấy doanh nghiệp đang dần tiến tới đa dạng hoá ngành nghề.
Trong khi doanh thu tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận trước thuế lũy kế 3 quý đầu niên độ tài chính lại chỉ đạt 585 tỷ đồng, giảm 27% so với 3 quý niên độ trước và hoàn thành gần 70% mục tiêu lợi nhuận cả năm.