Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được điều chỉnh tăng nhẹ

Vi Văn Di 07:05 | 29/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,3-0,5 điểm %, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lên xấp xỉ 7%/năm.

Theo biểu lãi suất mới nhất của ngân hàng Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), ngân hàng này vừa tăng nhẹ 0,1%/năm đối lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên 6,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên 6,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng cũng lên mức 6,1%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này không đổi, vẫn giữ ở mức 6,8%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi tiền kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với loạt kỳ hạn gửi tiền từ 6 tháng trở lên. Khách hàng gửi tiền từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tại OCB sẽ được hưởng lãi suất 5,4%/năm thay vì 5,2%/năm như trước đó; gửi từ 9 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất cũng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm.

Đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất huy động tại OCB dao động từ 6,1-6,35%/năm, tăng so với mức từ 5,9 - 6,15%/năm hồi tháng 2/2022.

Đối với sản phẩm tích lũy điện tử, OCB cũng niêm yết bảng lãi suất huy động dao động từ 4,9 - 6,3%/năm, tăng thêm 0,2%/năm so với trước đó. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 6,75%/năm dành cho khách hàng gửi online trên ứng dụng OCB OMNI kỳ hạn 36 tháng.

Trong khi đó, MSB cũng cập nhật biểu lãi suất mới trong tháng 3/2022 và tăng nhẹ ở nhiều kỳ hạn so với tháng trước. Trong đó, lãi suất cao nhất là 6,2%/năm áp dụng khi gửi online từ 12 tháng trở lên, tăng 0,1 điểm % so với trước.

Đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tăng từ 3,8%/năm lên 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,8%/năm.

Techcombank tăng lãi suất tiền gửi từ 0,15 - 0,8%. Sacombank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn lên 0,2%. OceanBank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5% với nhiều kỳ hạn.

Trong khi đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) có lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ ở mức 5,5 - 5,6%/năm.

Trước xu hướng lãi suất tiền tiết kiệm đi lên, tiền gửi của người dân tăng trở lại. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021.

Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng, tương đương giảm 1,21% xuống hơn 5,57 triệu tỷ đồng..

Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,32% so với đầu năm, tương đương gần 35.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, tiền điện tử hay bất động sản diễn biến khó lường, lãi suất ngân hàng nhích tăng đang giúp kênh đầu tư này hấp dẫn dòng tiền trở lại. Điều này có thể nhận thấy qua số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 1 đã bật tăng khá mạnh lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng.

Lãi suất ngân hàng nhích tăng đang giúp kênh đầu tư này hấp dẫn dòng tiền trở lại. Ảnh minh hoạ

Như vậy, tiền gửi của người dân đã tăng vọt hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 1, tương đương tăng 1,95%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của tiền gửi dân cư trong 10 tháng trở lại đây.

Đánh giá xu hướng lãi suất trong năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lãi suất huy động năm nay có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ cục bộ. Tuy nhiên, áp lực tăng tại lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Mặc dù vậy, VCBS nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn.

Cùng chung quan điểm, Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm thêm từ 0,2 - 0,25%. Chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vì thế cũng sẽ được cải thiện.